Quan hệ song phương Trung Quốc - ASEAN được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong cuộc điện đàm diễn ra hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được đồng thuận rõ ràng về quan hệ song phương và hợp tác Trung Quốc – ASEAN với Chủ tịch ASEAN năm nay là Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Nhìn chung, thương mại Trung Quốc – ASEAN sau khi đạt được đà tăng trưởng bền vững trong năm 2020 và 2021, trong năm 2022 này đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Việc ban hành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu nông sản từ ASEAN đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho thương mại song phương. Sự tăng trưởng đáng kể về thương mại giữa Trung Quốc và Indonesia, một thành viên của G20, có dân số và là nền kinh tế trong khối đã khích lệ quan hệ giữa nước này với khu vực nói chung. Tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào, được khánh thành vào năm ngoái, đã đạt được kỳ vọng về cả lượng hành khách và vận chuyển hàng hóa. Tuyến đường sắt này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và trao đổi nhân sự giữa Tây Nam Trung Quốc và các nước ở Bán đảo Đông Dương...

Đầu tư hai chiều giữa Trung Quốc và khối ASEAN hiện đã vượt quá 300 tỷ USD. Động lực mạnh mẽ và tiềm năng to lớn cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và khối, nhất là trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, đã trở thành điểm nhấn của hợp tác khu vực và có lợi cho sự thịnh vượng lâu dài.

Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã làm việc và hợp tác cùng nhau để ứng phó với đại dịch COVID-19 và đảm bảo một loại các kết quả. Điều này được minh chứng rõ nhất trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại cam kết của nước này trong việc cung cấp 150 triệu liều vaccine COVID-19 để hỗ trợ ASEAN đối phó với dịch bệnh. Cùng lúc, Trung Quốc và các thành viên ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về sản xuất chung vaccine...

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Với sự điều phối tích cực của ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Trong quý I/2022, kim ngạch thương mại Trung Quốc – ASEAN chiếm gần một nửa tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với tất cả các quốc gia thành viên RCEP, qua đó cho thấy rằng hai bên đã đưa ra thỏa thuận và hiệp định thương mại đang bắt đầu có hiệu quả.

Có thể nói rằng, sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung Quốc – ASEAN có lợi cho châu Á và thế giới. Sự phát triển của quan hệ song phương đã cung cấp nguồn cảm hứng sâu sắc cho việc giải quyết các vấn đề khác ở châu Á.

Mọi nỗ lực đều cần được thực hiện để duy trì hòa bình trong khu vực. Điều quan trọng nữa là phải nỗ lực hết sức để mở rộng hợp tác cùng có lợi. Châu Á hiện là khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, phần lớn được thúc đẩy bởi hội nhập kinh tế khu vực và hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau. Việc nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Trung Quốc – ASEAN và thực hiện tốt hơn hiệp định RCEP báo trước tương lai hợp tác cùng có lợi.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)