Trụ sở Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Nguồn: cand.com.vn

Ở nước ngoài, Hàn lâm viện là nơi qui tụ những nhà khoa học ưu tú. Có nước gọi những nhà khoa học làm việc ở đây là viện sĩ. Ở Việt Nam chúng ta không có tên gọi này.

Người ta chú ý đến viện này không phải là nơi sản sinh ra những gì xuất chúng, mà quan tâm đến sự lùm xùm về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thế thì làm sao để xứng danh là hàn lâm!?

Tìm hiểu thì biết: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội Việt Nam; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển; đào tạo sau đại học.

Tên Viện thì sang trọng vậy. Nhiệm vụ của Viện thì quan trọng vậy… nhưng những gì được Thanh tra Chính phủ phát hiện và công bố liên quan đến những sai phạm thì... Những sai phạm có thể tìm thấy nhan nhản trên mạng internet. Đáng chú ý nhất là có những đề tài nghiên cứu nhưng không đóng góp gì về khoa học xã hội. Hàng chục đề tài cấp bộ do Văn phòng Viện chủ trì đã nghiệm thu cấp bộ nhưng chưa nghiệm thu cấp cơ sở. Còn cái chuyện hội đồng nghiệm thu thì được chỉ ra “sai tọa lọa”.

Hiện tượng bất thường về mặt nghiệm thu đề tài khoa học,  có thể chỉ rõ về mặt bản chất là “hợp thức hóa” cũng được chỉ ra. Ví như, Viện Nghiên cứu châu Âu với một hội đồng có ngày đã nghiệm thu từ 16 -18 đề tài. Viện Ngôn ngữ học, Viện Sử học đều có tình trạng tương tự.

Ở đây chúng ta thấy có mấy chủ thể tham gia vào sự sai phạm, đó là: người, nhóm nghiên cứu đề tài và hội đồng nghiệm thu. Nghiệm vụ nghiên cứu khoa học được thực hiện không tốt. Để đảm bảo cho sự không tốt ấy đã có hội đồng nghiệm thu khoa học. Vấn đề cần làm rõ là có sự “tham nhũng” trong nghiên cứu khoa học và sự “bảo kê” cho việc nghiên cứu khoa học!? Vì những đề tài nghiên cứu khoa học đều liên quan đến nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước.

Công tác nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã vậy thì ai đảm bảo chắc chắn rằng công tác đào tạo sau đại học được thực hiện một cách tốt nhất. Nếu như công tác đào tạo sau đại học không được thực hiện tốt thì sẽ cho ra đời những thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng không tương xứng với tên gọi. Cái này, có khi còn di hại hơn cho xã hội hơn là những “nghiên cứu” dổm. Chúng ta thử xem xét vế này - công tác đào tạo thử nó như thế nào.

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn từ 2015 -2019, mỗi năm Viện đào tạo ra 200 tiến sĩ. Như vậy, “vị chi” 5 năm Viện có thể đã đào tạo ra 1.000 tiến sĩ . Những nhà khoa học này sẽ đi đâu!?

Có thể sẽ tham gia công tác giảng dạy ở môi trường đại học. Nếu như kiến thức, tri thức của những tiến sĩ không tương xứng chức danh thì sẽ đào tạo ra một tầng lớp học sinh có kiến thức không tốt. Nghĩa là ở một khía cạnh nào đó, sẽ góp phần làm giảm chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng. Nếu những người này làm việc trong các cơ quan nhà nước thì sẽ góp phần làm cho hoạt động của cơ quan nhà nước trì trệ thêm. Cũng có thể có những “phản ứng phụ" không tốt khác. Chẳng hạn như trong việc xem xét đề bạt cán bộ, nếu nơi nào, đơn vị nào chuộng bằng cấp thì có thể chọn những người này giữ một cương vị cao nào đó nhung với lượng kiến thức không tương xứng của họ sẽ chẳng tham gia nhiều vào sự thúc đẩy phát triển mà thậm chí còn làm cho hoạt động trì trệ thêm. Về đến địa phương, ban ngành, có thể họ tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, chẳng hạn… Và rất có thể sẽ phát sinh những đề tài nghiên cứu khoa học “tào lao” ở cấp này và những hội đồng nghiệm thu tương tự !?

Tức là cái không tốt này dẫn đến cái không tốt kia. Tạm gọi là tác hại của cái vỏ bọc bằng cấp.

Nguyên Lê