Gian hàng của các cấp hội phụ nữ

Giấc mơ Atiso đỏ

Ngay từ khi là sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế, chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã nung nấu ý tưởng, nghiên cứu và quyết định chọn cây Atiso đỏ - một loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe, đem lại lợi ích kinh tế cao để chuyển đổi thay thế cho cây sắn, cây khoai, cây đậu mất nhiều công chăm sóc và thu nhập thấp.

Chịu khó nghiên cứu, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,  Atiso đỏ giờ đã cho ra quả ngọt. Bắt đầu chỉ mới 500m2, sau hơn 6 năm chị Hiền đã mở rộng diện tích lên gần 8ha; trong đó, đáng chú ý có 2ha với mô hình trồng hoa atiso làm du lịch. Bình quân mỗi vụ, chị Hiền thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha đối với hoa tươi và 220 triệu đồng/ha từ việc đưa vào sản xuất thành phẩm và mô hình trồng hoa du lịch. Cơ sở sản xuất của chị giải quyết việc làm cho 20 lao động trong vùng. Chị Hiền còn thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ bà con về giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc cây Atiso để thu hoạch bán, tăng thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

Thành công của chị Hiền có sự hỗ trợ từ phía Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khi đã kết nối với các sở/ban, ngành, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khởi nghiệp, phát triển nông nghiệp nông thôn để hướng dẫn chị các thủ tục pháp lý liên quan đến thành lập công ty, đăng ký thương hiệu; áp dụng khoa học kỹ thuật trong chế xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vận dụng kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua ứng dụng mạng xã hội hay hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh…

Hỗ trợ khởi nghiệp

Ngay khi đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hội LHPN tỉnh và 9 huyện/thị/thành phố đã chủ động tham mưu UBND cùng cấp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với tổng kinh phí được phê duyệt gần 2,3 tỷ đồng; đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển. Các cấp hội cũng chủ động đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ giúp chị em hiện thực hóa các dự án, ý tưởng kinh doanh. Hội LHPN tỉnh tổ chức thành công 2 cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”; Ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”; tiếp sức cho phụ nữ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội, UBND tỉnh tổ chức; thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ; hỗ trợ, thành lập 6 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, 78 tổ liên kết và hướng các mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn, thân thiện môi trường.

Bà Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền cho biết: “Trong quá trình hỗ trợ, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tham gia các hoạt động kinh tế tập thể như tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn”.

Trở lại với chị Nguyễn Thị Thu Hiền, đến nay, dự án với cây Atiso đỏ của chị đã lần lượt được xướng tên trong các cuộc thi, như: Giải Nhất Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2020; Giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020; vòng Chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công năm 2020” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Bước ra từ các cuộc thi khởi nghiệp, chị có cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng thông qua hội nghị kết nối, hội chợ thương mại... do Hội LHPN tỉnh, Sở Công thương, Viện Nghiên cứu phát triển Huế làm cầu nối. Sản phẩm từ cây Atiso đỏ của chị đã tìm được lối đi riêng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Năm 2020, chị Hiền quyết định thành lập Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ HICHAGOL.

Phối hợp với các ban, ngành, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng đề án chuyển Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Hội LHPN tỉnh thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển và Khởi nghiệp phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến đưa vào vận hành  trước năm 2023. Phương án hoạt động của trung tâm là hệ thống các không gian kết nối, tôn vinh nghề truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Huế; là nơi hỗ trợ, ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo; vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam… tiến đến mở rộng dần các nội dung hoạt động, định hướng chiến lược hoạt động phù hợp với giai đoạn mới.

 Mới đây, trong buổi làm việc với Hội LHPN Thừa Thiên Huế, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ lưu ý hội cần xác định đây là sân chơi cho những người phụ nữ có chí tiến thủ, muốn khởi nghiệp nhưng khó khăn, đồng thời đó là nơi giới thiệu, tôn vinh, quảng cáo những sản phẩm đặc sản mang tính chất thương hiệu Huế. Phải lồng ghép được mục tiêu phát triển của trung tâm với mục tiêu phát triển của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị trung tâm phát triển theo hướng vừa hỗ trợ phát triển vừa hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó, cần huy động thêm kinh phí các nguồn lực xã hội để xây dựng trung tâm tạo thành được một chuỗi giá trị giới thiệu sản phẩm Huế trong tương lai.

Bài, ảnh:  AN NHIÊN