Quang cảnh hội thảo

Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức.

Thay đổi đáng kể đời sống hộ nghèo

Thông tin tại Hội thảo cho thấy, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tăng 23.978 tỉ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến cuối tháng 5/2022 đạt 27.785 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng gần 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH.

Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân ngày 31/3/2022, 63 chi nhánh tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỉ đồng để trả lương cho hơn 1 triệu lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước. 

Đến nay, Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng hơn 2.335 tỉ đồng. Trong đó, ngân hàng cho vay hỗ trợ tạo việc làm 2.033 tỉ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỉ đồng...

Tại Thừa Thiên Huế, tổng dư nợ các chương trình tín dụng CSXH của Ngân hàng CSXH đến 31/12/2021 là 3.434,3 tỉ đồng, với gần 90 ngàn hộ dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,09%. Trong đó, dư nợ tại 2 huyện miền núi (Nam Đông và A Lưới) là 592,7 tỉ đồng, chiếm 18,3% dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh, với gần 13.500 hộ được vay vốn, bình quân dư nợ mỗi hộ là 44 triệu đồng, 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 2 huyện miền núi đều được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Nguồn vốn tín dụng CSXH dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 273,7 tỉ đồng, gần 6.500 hộ được vay, chiếm 28,4% doanh số cho vay tại hai huyện miền núi. Suất đầu tư bình quân/hộ được nâng từ 22 triệu đồng/hộ vào cuối năm 2015 lên 40 triệu đồng/hộ vào cuối năm 2021, góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn miền núi, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế

Bộ mặt nông thôn khởi sắc

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2021, Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng có 9/13 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng GRDP đạt 4,36%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.200 USD.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai các nội dung trong công tác dân tộc, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Nhờ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thu nhập của các hộ gia đình ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Hằng năm, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư khoảng 50 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương để phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, trong phiên thảo luận tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại một số địa phương còn hạn chế do các đối tượng thuộc diện nghèo tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, việc xác định vai trò ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng CSXH rất quan trọng, từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong giai đoạn 2022 -2025, để góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.

Nói về giải pháp của Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin: “UBND tỉnh sẽ căn cứ các nghị quyết, nghị định, chính sách liên quan để chỉ đạo thực hiện, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước”.

Bài, ảnh: Thọ Bốn