Chuyến biển trúng đậm cá hố
Sau những đợt giông gió, biển lại dịu êm. Tàu vỏ thép công suất lớn của ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cùng với nhiều tàu địa phương thỏa sức buông lưới, giăng câu. Mẻ lưới mới đây của tàu ông Chiến thu hơn ba tấn cá ngừ chù. Ông Chiến liên lạc với lái buôn qua điện thoại và ra giá mỗi kg cá ngừ chù 30 ngàn đồng. Thương lượng giữa chủ tàu và lái buôn cuối cùng chốt giá tại bờ 25 ngàn đồng/kg. Tàu của ông Chiến cập cảng đúng hẹn. Các thương lái chờ sẵn trên bờ tiến đến mạn tàu. Bất ngờ một thương lái “bẻ giá’, chỉ còn 20 ngàn đồng/kg...
Mấy chục năm theo bám nghề biển, chưa bao giờ ông Chiến lại thất vọng về giá hải sản như hiện nay. Cá ngừ chù một thời có giá 70 ngàn đồng/kg, có thời điểm còn cao hơn thế. Trong khi giá xăng, dầu, chi phí nhiên liệu vài năm về trước ở mức vừa phải, hoặc thấp hơn nhiều so với thời gian gần đây. Hầu hết những chuyến biển hồi đó đều có lãi, còn bây giờ lãi thấp, hoặc hòa vốn, thậm chí thua lỗ.
Theo ông Chiến, mỗi chuyến biển trước đây kéo dài 10-15 ngày, chi phí nhiên liệu dao động trên dưới 100 triệu đồng. Từ khi giá xăng, dầu tăng cao, chi phí mỗi chuyến biển tăng lên 150-160 triệu đồng. Một số tàu gặp khó về chi phí nhiên liệu đành phải nằm bờ, trong khi nhiều tàu phải tính toán cân đối chi phí, giảm thời gian khai thác nên hiệu quả, sản lượng mỗi chuyến biển không cao.
Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế), ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong điều kiện khai thác như hiện nay cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các chủ tàu thuyền, các ban, ngành. Trong đó, các địa phương thành lập và phát huy vai trò các tổ, đội đoàn kết khai thác và dịch vụ hậu cần trên biển. Tại Thuận An, thành lập hai đội tàu thuyền đoàn kết trên biển có công suất lớn với tổng số khoảng 50 phương tiện. Các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết không chỉ thi đua, phối hợp sản xuất mà còn hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố, hoạn nạn trong quá trình khai thác xa bờ.
Giá hải sản thấp khiến ngư dân gặp khó khăn
Các tàu hậu cần nghề cá cũng gặp khó khăn tương tự. Trước đây, mỗi chuyến biển của các tàu này thường kéo dài 4-5 ngày thì nay giảm còn 2-3 ngày, một phần do giá xăng dầu tăng cao, phần vì sản lượng khai thác của các tàu xa bờ khá thấp. Các địa phương, ban, ngành tiếp tục vận động các tàu dịch vụ hậu cần thường xuyên bám biển, cung ứng nhiên liệu, nước đá ướp hải sản... giúp các tàu có điều kiện kéo dài thời gian khai thác, hạn chế di chuyển ra vào bờ nhằm giảm chi phí mỗi chuyến biển, kích cầu nghề khai thác xa bờ.
Ngoài dịch vụ hậu cần, các công ty, doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh từng bước đầu tư mở rộng công suất, công nghệ cấp đông, chế biến sản phẩm hiện đại nhằm góp phần ổn định giá thu mua hải sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN), sản phẩm đánh bắt xa bờ hiện nay không chỉ chất lượng thấp mà sản lượng còn không đáp ứng nhu cầu chế biến. Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến - Công ty TNHH Phú Song Hường, ông Trần Mai Anh thông tin, công suất thu mua bình quân mỗi ngày của các công ty trên địa bàn tỉnh ước khoảng 100 tấn hải sản, song các tàu chỉ đáp ứng khoảng 40% sản lượng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Đình Đức cho hay, ngành thủy sản cùng với các địa phương, ban, ngành đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các đội tàu khai thác xa bờ nói chung, vùng biển xa nói riêng. Các tổ đội thu mua, khai thác kết nối các cơ sở thu mua, chế biến trong và ngoài tỉnh nhằm góp phần ổn định giá cả. Tỉnh đang kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp đông, dự trữ nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN, phối hợp với ngư dân tham gia, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đầu ra ổn định.
Tại các xã, phường ven biển trên địa bàn tỉnh hiện nay đã thành lập khoảng 40 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với tổng số tàu khai thác hải sản xa bờ có đăng ký là 572 chiếc. Trong đó, tàu cá cỡ trung dài từ 12-15 mét là 146 chiếc, tàu xa bờ dài từ 15 mét trở lên 391 chiếc, tàu cỡ lớn dài trên 24 mét 12 chiếc (trong đó có 4 tàu vỏ thép). Các đồn biên phòng tuyến biển thường xuyên phối hợp với các địa phương, Chi cục Thủy sản tỉnh vận động tàu cá chấp hành quy định khai thác và phát huy vai trò tổ, đội đoàn kết trên biển. Có khoảng 98% tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) để có sự quản lý, giám sát quá trình khai thác của các tàu.
Bài, ảnh: Hoàng Triều