Phiên chợ vùng cao ở A Lưới

Tôi thích mô hình tổ liên kết do Hội LHPN huyện A Lưới thành lập và cùng đồng hành. Quỳnh Tường bảo, đó là chủ trương của Trung ương Hội và rất phù hợp với tình hình. Ở vùng cao như A Lưới lâu nay không thiếu các loại nông sản nhưng lâu nay cứ loay hoay về tìm đầu ra, bị tư thương ép giá và không thể nào mở rộng được sản xuất kinh doanh. Còn nữa là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cần có một sự phối hợp chặt chẽ từ sản xuất, tiêu thụ đến chế biến.

Khởi đầu là tổ liên kết có 5 thành viên sản xuất rau an toàn có thu nhập khá tốt 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Được hỗ trợ 30 triệu đồng từ UBND huyện, đầu tư xây dựng 1 cửa hàng tại 100 Đặng Huy Trứ (TP. Huế) giới thiệu nông sản A Lưới với khách hàng Huế. Năm 2018, Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh Nông sản an toàn A Lưới ra đời. Cùng lúc, có thêm 3 tổ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được thành lập: Chuối già lùn xã Nhâm, nuôi gà lấy trứng xã A Ngo và thị trấn A Lưới, chăn nuôi gà thịt tại Hồng Quảng và thị trấn.

Nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Phát nông thôn miền Trung, Trường đại học Nông Lâm tập huấn cho thành viên của tổ/HTX các nội dung: Phát triển và quản lý nhóm, kỹ năng tiếp thị sản phẩm và bán hàng, chiến lược phát triển kinh doanh và quản lý tài chính, sản xuất theo quy trình Vietgap. Mặt khác, phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tổ chức lớp tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng  dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, quy trình sơ chế đảm bảo theo quy định.

Không bằng lòng với những hiểu biết đang có, hội tổ chức liên tục các chuyến tham quan, học tập tại một hộ làm kinh tế gia đình tiêu biểu tại địa bàn huyện; các mô hình sản xuất nông trại tại thị xã Hương Trà, thành phố Huế, HTX Rau sạch Mỹ Hưng - Thăng Bình; HTX Thanh Đông - Hội An về trồng rau hữu cơ và kết hợp làm du lịch và HTX dịch vụ nông nghiệp - Điện Quang (Quảng Nam). Năm 2018, HTX và các tổ liên kết tham gia 11 phiên chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để triển lãm, giới thiệu nông sản, đặc sản của bà con A Lưới đến với khách hàng.

Cũng rất đáng nói là, hội đã kết nối thành công với hệ thống các siêu thị Big C và các siêu thị miền Nam và miền Trung tiêu thụ sản phẩm chuối A Lưới hướng đến xây dựng thương hiệu/chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng chủ lực của huyện A Lưới. Mỗi tháng cung cấp kết nối thị trường từ 1.000 - 1.800kg nông sản, đặc sản A Lưới tạo công việc làm thường xuyên cho tổ, nhóm và các thành viên, tăng thu nhập từ 2.500.000đ - 4.500.000đồng/người/tháng.

Người đời vẫn thường nhắc tới bộ ba “người sản xuất - nhà phân phối “người tiêu dùng” như “kiềng 3 chân” trong làm ăn và phát triển kinh tế. Câu chuyện của Quỳnh Tường bổ sung một khía cạnh mới về vai trò kết nối của tổ chức Hội LHPN ở A Lưới. Nó đặc biệt có ý nghĩa đối với những địa phương còn gặp nhiều khó khăn như vùng cao A Lưới.

Bài, ảnh:  Đan Duy