Trồng cây ngập mặn chống biến đổi khí hậu trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích trên 22.000ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc. Đây được xem là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú được xem "di sản thiên nhiên" ở Việt Nam.

Giá trị "di sản thiên nhiên" này khá đa dạng về sinh cư và hệ sinh thái, đa dạng nguồn gien và nguồn gốc khu hệ rất nổi bật. Đến nay, ở hệ thống đầm phá này đã thống kê được 620 loài, thuộc 33 giống và 178 họ thuộc các nhóm động vật, thực vật cơ bản, so với các hệ sinh thái cùng loại thuộc trong nước thì ở đây phong phú về giống loài hơn hẳn. Ngoài các loài động, thực vật đặc thù cho đầm phá, đã ghi nhận sự tồn tại của 3 tràm chim nước tại cửa sông Ô Lâu, khu vực đầm Chuồn và khu vực Đuồi (Vinh Hà, Phú Vang) gồm 70 loài, trong đó 37 loài là chim di trú... Đây là một tiêu chí quan trọng để Văn phòng công ước Ramsar công nhận hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai hiện nay có nhiều loại tôm, cua, cá đặc hiệu... mang lại giá trị kinh tế cao. Chính giá trị về nguồn lợi thực phẩm này đã góp phần giải quyết  sinh kế cho 1/3 dân cư địa phương, mà phần lớn sống trong khu vực. Mặc dù "di sản thiên nhiên" có tầm quan trọng rất lớn, nhưng thời gian gần đây đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng khai thác trái phép quá mức, chưa hợp lý cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng đã đe dọa tính bền vững của vùng đất ngập nước. Mới đây chúng tôi có dịp tiếp xúc với những người ngư dân ở vùng ven phá huyện Phú Lộc, họ chia sẻ trước đây một đêm ra phá kiếm 10-20kg cá các loại là không khó, nhưng bây giờ rất ít. Điều này cho thấy kế sinh nhai của ngư dân sống nhờ vào "di sản thiên nhiên" này ngày càng khó dần.

Ðể khắc phục tình trạng trên, Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn. Mới đây vào ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Ðể thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đề ra, “di sản thiên nhiên” này đang được chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế nỗ lực bảo tồn thông qua việc xây dựng, vận hành các công cụ quản lý, kiểm soát để phát triển bền vững, nhất là các hoạt động du lịch sinh thái, nghiêm cấm săn bắt chim trời, cấm khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt và các dự án, hoạt động phát triển kinh tế có tác động tới môi trường... Trong đó đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều chương trình, dự  án, như phục hồi trồng cây ngập mặn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, duy trì ổn định chất lượng nước, sắp xếp khơi thông luồng lạch, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong cam kết, giữ gìn, bảo vệ "di sản thiên nhiên" này... để  góp phần vào công cuộc phát triển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam.

Bài, ảnh: Minh Thương