Các em học sinh tham quan triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Ảnh: MINH HIỀN
Vinh dự được nhận quà từ Bác
Lên thôn 5 (trước đây là thôn Tà Vác), xã Thượng Long, huyện miền núi Nam Đông những ngày đầu tháng 5/2022, được sự giới thiệu của Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Trĩ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Bí thư Chi bộ thôn Hồ Minh Tên (trước đây tên Phạm Minh Tên, sau xin lấy họ Bác Hồ) là con trai thứ ông Quỳnh Tếu.
Khi nhắc đến người cha của mình với việc lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng do Bác Hồ trao tặng, ông Hồ Minh Tên không khỏi nghẹn ngào xúc động. Ông kể: Từ sau cách mạng tháng 8/1945, được sự quan tâm dìu dắt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc huyện miền núi Nam Đông từng bước giác ngộ, một lòng theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, tích cực tham gia kháng chiến và có nhiều đóng góp vào sự thắng lợi chung của cách mạng.
Ông Tên nói: Theo lời cha tôi kể, năm 1959, Trung ương Đảng mời các già làng, trưởng bản và những người có công với cách mạng ra thăm miền Bắc - vùng giải phóng đang xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cha tôi Quỳnh Tếu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1955 và gia đình tôi là cơ sở cách mạng nên có tên trong danh sách đoàn ra Bắc. Được tham quan miền Bắc với không khí lao động sản xuất khẩn trương, tích cực, những người trong đoàn càng tin tưởng hơn vào Bác Hồ, Trung ương Đảng, tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng của cách mạng và miền Nam sẽ giải phóng, đất nước thống nhất.
Đúng ngày 2/9/1959, cha tôi và đoàn công tác Thừa Thiên Huế được dự lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Bác Hồ đến thăm, nói chuyện và tặng quà cho các thành viên trong đoàn. Người đã nói chuyện vô cùng thân mật, gần gũi, như anh em ruột thịt, giọng của Người nhẹ nhàng, ấm áp, cử chỉ ân cần, chu đáo. Đặc biệt, Bác Hồ còn hiểu rõ phong tục của đồng bào dân tộc trên dãy Trường Sơn nên đã tặng cho mỗi thành viên một vòng bạc đeo cổ, 2 chiếc khăn tay vuông và một chiếc soong gô nhôm. Trước khi chia tay, cả đoàn còn được chụp ảnh lưu niệm chung với Bác Hồ.
Trở về miền Nam, các thành viên trong đoàn mang theo những kỷ vật là báu vật của đời người và tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ. Trong những năm đánh Mỹ, Nam Đông nói riêng và miền Tây Thừa Thiên Huế nói chung là địa bàn chiến lược quan trọng bị địch đánh phá ác liệt. Đồng bào không có muối ăn, không có dụng cụ để làm nương rẫy. Đồng bào vô cùng cảm động khi được Trung ương Đảng và Bác Hồ quan tâm gửi muối để ăn; gửi rìu, rựa, cuốc để làm nương rẫy... Đây là nguồn động viên lớn lao, làm cho đồng bào thêm tin tưởng vào Đảng, vào Bác Hồ, vượt qua khó khăn gian khổ, hăng say chiến đấu, tham gia gùi đạn, gùi gạo ra chiến trường nuôi bộ đội đánh giặc.
Niềm tin từ những kỷ vật
Nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Kình - con trai thứ ông Quỳnh Tếu vừa cầm chiếc vòng bạc vừa kể lại, trải qua thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cha ông và gia đình luôn nâng niu những kỷ vật thiêng liêng mà Bác Hồ trao tặng, bởi đó chính là niềm tự hào của gia đình.
Chiếc vòng đeo cổ bằng bạc đang được nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Kình - con trai thứ của ông Quỳnh Tếu cất giữ
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, lần địch càn quét đốt phá vào năm 1964, tấm ảnh ông Quỳnh Tếu chụp chung với Bác Hồ không kịp lấy xuống đã bị cháy cùng ngôi nhà sàn. Còn 2 chiếc khăn tay, soong gô và chiếc vòng bạc được cha ông đem giấu vào gốc cây, hốc đá trong rừng. Khi địch rải bom đốt phá rừng, cha tôi lại đem những kỷ vật thiêng liêng đó chôn xuống đất.
Mùa Xuân năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, gia đình tôi lại đào những kỷ vật ấy lên và cất giữ cẩn thận. Hòa bình lập lại, không còn sợ địch khảo tra, xét hỏi về những kỷ vật của Bác Hồ tặng, cha tôi trao chiếc vòng bạc đeo cổ cho vợ, 2 chiếc khăn tay ông tặng cho 2 người con gái làm kỷ vật hồi môn khi đi lấy chồng, chiếc soong gô ông trao lại cho người anh cả. Cha tôi làm việc này với mong muốn truyền lại niềm tin và lòng biết ơn vào Đảng, Bác Hồ và cách mạng cho thế hệ các con cháu sau này.
Chiếc khăn tay còn lại đang được bà Phạm Thị Thong - con gái ông Quỳnh Tếu giữ gìn
Những năm 1997, một số cán bộ thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế vào tìm hiểu, thực hiện di nguyện của gia đình, những hiện vật quý ấy được trao tặng lại cho bảo tàng (1 chiếc khăn tay và một chiếc soong gô). “Cha tôi làm việc này với ước nguyện để Nhân dân cả nước và quốc tế có cơ hội biết đến, cảm nhận tình cảm ân cần, sâu sắc của Bác Hồ đối với đồng bào thiểu số sống trên dải Trường Sơn đại ngàn” - ông Hồ Minh Tên nói.
Hiện nay, chiếc vòng đeo cổ bằng bạc đang được nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Kình - con trai thứ của ông Quỳnh Tếu cất giữ. Chiếc khăn tay còn lại đang được bà Phạm Thị Thong - con gái ông Quỳnh Tếu giữ gìn. Nghệ nhân cồng chiêng Phạm Văn Kình cho biết, tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, tôi luôn lấy những kỷ vật của Bác Hồ tặng ra dạy con cháu và truyền lại niềm tin và lòng biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ và cách mạng cho các thế hệ con cháu. Riêng bản thân tôi đã ra sức tập luyện để trở thành nghệ nhân cồng chiêng, truyền nghề cho thế hệ trẻ sau này.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH