Du khách thăm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khách quan đánh giá thì hiện nay Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, nhưng so với mươi, mười lăm năm trước đây, bộ mặt thành phố, sơn thôn, mường bản đã có bước đổi thay đáng kể. Hiện nay, tuyến Quốc lộ 6 đã được mở rộng, cắt cua, hạ thấp độ cao, xe ô tô chỉ đi mất 10 - 11 tiếng. Dốc Pha Đin “chị gánh anh thồ” về phía địa giới tỉnh Điện Biên đã được làm đường mới, rút ngắn so với đường cũ gần chục kilômét, ít dốc cua và đỡ nguy hiểm hơn nhiều. Bên cạnh đường bộ là đường hàng không, với tần suất bay mỗi ngày 2 - 3 chuyến. Điện Biên Phủ đã gần hơn với thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.

Với Điện Biên, trong những năm tới đây, kinh tế nông - lâm nghiệp vẫn là chủ đạo. Do vậy, tỉnh chú trọng mở rộng diện tích lúa nước, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Với 2 vụ lúa mỗi năm, nông dân thu về trên 100 triệu đồng/ha. Phát triển công nghiệp đã được chú trọng hơn. Tỉnh chủ trương cải cách hành chính, thu hút, mời gọi đầu tư; ban hành cơ chế ưu đãi về thuế, cho thuê, mượn đất, đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào... cho doanh nghiệp. Nhà máy xi măng Điện Biên, các nhà máy gạch tuy nen, công trình thuỷ điện, nhà máy chế biến kim loại màu, khai thác vàng... được xây dựng hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bằng nhiều các chương trình, dự án: 167/CP, Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững; Đề án 79... Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Điện Biên hôm nay có nhiều nhà mới cất dựng, lợp ngói, lợp tôn khang trang nép mình bên bìa rừng, bên vườn cây ăn quả tốt tươi. Đó là nhờ nguồn vốn xóa nhà tạm theo Quyết định 167/CP của Chính phủ. Các chính sách di dân, giãn dân ra biên giới để phát triển kinh tế được thực hiện, đồng thời giữ vững cho cương thổ vẹn toàn được thực hiện nghiêm, đảm bảo tiến độ, hiệu quả cao. Điện Biên - vùng phên dậu phía tây bắc của Tổ quốc nhiều năm qua vẫn giữ vững ổn định chính trị, kinh tế từng ngày phát triển, là thành công lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Đến nay, số hộ dân ở Điện Biên được dùng điện lưới quốc gia ngày càng tăng; 100% xã có điểm bưu điện văn hoá; trên 85% dân số được sử dụng nước sạch sinh hoạt; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn... Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh nên tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 31,49%. Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, trong những năm tới, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm mạnh, nhờ tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ tại 5 huyện nghèo. Nghị quyết 30a bắt đầu “đi vào lòng dân” từ năm 2009 và đến nay đã và đang phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: Đức Tùng