Nhiều lao động trẻ làm việc bán thời gian ở các cửa hàng, quán ăn tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu cho người lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp vừa được Bộ Lao động - thương binh và xã hội gửi tới các bộ, ngành, địa phương liên quan để sớm trình Chính phủ xem xét. Trong đó lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng) so với mức đang áp dụng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên xây dựng lương tối thiểu theo giờ, dự kiến chia theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Phù hợp với làm việc bán thời gian

Theo lý giải của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để bảo vệ quyền lợi về lương những người làm công việc linh hoạt, bán thời gian.

Như vậy sẽ có hai loại lương tối thiểu sẽ được áp dụng: lương tối thiểu tháng đối với người lao động trả lương theo tháng; lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động trả lương theo giờ. Tuy nhiên, trên thực tế còn có hình thức trả lương khác (theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán). Theo nội dung tờ trình, đối với các hình thức này, doanh nghiệp sẽ lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Không yêu cầu doanh nghiệp thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng mức độ tuân thủ mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Cần hoàn thiện thêm

Theo ông Lê Đình Quảng - phó Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - việc có mức lương tối thiểu giờ là đúng tinh thần Bộ luật lao động 2019. Việc này nhằm đảm bảo độ bao phủ cho người lao động làm việc linh hoạt hoặc không làm trọn thời gian trong ngày. "Lấy ví dụ người lao động làm nhiệm vụ thu hái, phân loại vải thiều sẽ không làm trọn ngày mà chỉ vài tiếng trong mùa vải nhưng có hợp đồng lao động cũng cần được bảo vệ quyền lợi, ít nhất thông qua mức lương tối thiểu giờ", ông Quảng nêu.

Theo phương án của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật lao động. Việc quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

So sánh với mức lương giờ phổ biến hiện nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, trưởng phòng dịch vụ việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP (YES Center), cho rằng mức lương 22.500 đồng/giờ được đề xuất là phù hợp với thực tế. "Thời giờ làm việc, ca kíp sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Hiện nay, mức lương trả theo giờ dao động từ 18.000 - 25.000 đồng. Nhiều công việc có yêu cầu cao hơn thì doanh nghiệp sẽ trả mức 25.000 - 30.000 đồng", bà Thảo cho biết.

Theo tuoitre.vn