Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông báo vẫn giữ ổn định và bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Sách giáo khoa là tài liệu tham khảo chính. Tuy nhiên, học sinh và phụ huynh vẫn còn lắm nỗi lo. Khó khăn nhất đối với những học sinh tham gia kỳ thi năm nay là chịu ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19 trong cả 3 năm học. Nhiều thời điểm, không ít trường, học sinh bị F0, phải thực hiện dạy, học trực tuyến kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Tuyển sinh đại học năm nay có điểm mới đáng lưu ý, một số trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Vì vậy, các trường vừa tổ chức ôn tập kiến thức trọng tâm theo định hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa dạy các chuyên đề nâng cao nhằm hỗ trợ học sinh tham gia kỳ thi đại học.
Với mục tiêu 100% học sinh của trường đều đỗ tốt nghiệp THPT, ngay sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố bộ đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ khẩn trương ôn tập theo định hướng của bộ đề thi minh họa. Nhiều học sinh nhận định, đề thi ở các môn thi đều có sự phân hóa cao, nhưng vẫn đảm bảo bám sát theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT hiện hành, cũng như các nội dung giảm tải do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Em Nguyễn Trọng Nghĩa, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ: So với đề các năm trước, đề năm nay vẫn khó hơn. Mức độ điểm 7 thì em có khả năng đạt được, nhưng nếu muốn đạt điểm giỏi thì cần phải có những kiến thức tổng hợp và biết cách vận dụng vào bài tập.
Dựa vào đề thi minh họa, các trường xác định mức độ khó của đề để bổ sung nội dung ôn tập phù hợp cho học sinh. Ngoài những tiết ôn tập tại lớp, nhiều giáo viên hướng dẫn học sinh tự ôn tập thông qua tài liệu ôn tập, các bài giảng trực tuyến... Đồng thời, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh để các bậc phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất và động viên các em học tập, ôn luyện cho kỳ thi.
Nhiều trường đã định hướng cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp với năng lực để các em có sự chuẩn bị và chủ động trong ôn tập. Tổ hợp khoa học xã hội vẫn được nhiều học sinh chọn hơn so với tổ hợp khoa học tự nhiên. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn cho biết: Đối với nhóm học sinh trung bình, yếu, giáo viên sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức căn bản trước. Cùng đó, dựa vào kết quả kỳ thi học kỳ II, trường đã sàng lọc và phân loại được học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để phân công giáo viên có kinh nghiệm và tăng số tiết ôn tập cho các em. Với nhóm học sinh khá, giỏi, trường ôn những kiến thức nâng cao giúp các em làm quen với dạng đề có mức độ phân hóa cao.
Vấn đề mà nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm là các trường có nên tổ chức thi thử hay không? Lời khuyên của các nhà giáo có thâm niên trong nghề là, các em có thể tham dự một vài cuộc thi thử sau khi đã hoàn thành chương trình và ôn tập đầy đủ để làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện kỹ năng làm bài thi..., nhưng không nên lạm dụng "thi thử" trong giai đoạn ôn tập.
Điều quan trọng nhất là học sinh cần phải chủ động trong việc hệ thống hóa kiến thức và luyện tập các kỹ năng khai thác, vận dụng kiến thức theo hệ thống câu hỏi. Còn các dạng bài tập, các em sẽ hệ thống theo các mức độ nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Qua đó, nắm vững kiến thức và làm chủ kiến thức để khai thác, sử dụng trong các tình huống khác nhau của các đề thi tốt nghiệp THPT sắp đến.
Bài, ảnh: HUẾ THU