Các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ được Hội doanh nghiệp trẻ kết nối ký kết hợp tác giao tương

Dấu ấn

Sau khi đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh năm 2021 với dự án (DA) “Bánh ép Thuận An-Pizza giòn chinh phục thế giới”, chàng trai trẻ sinh năm 1996 - Ngô Đức Vương cho biết, sản phẩm của nhóm anh đã được các ban, ngành liên quan hỗ trợ tối đa để hoàn thiện các hồ sơ đạt chuẩn các chỉ số quan trọng về chất lượng và được nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng, giúp Vương và các cộng sự mạnh dạn đẩy mạnh mở rộng sản xuất kinh doanh sớm hơn so với dự định.

Ngoài xưởng sản xuất tại phường Thuận An và văn phòng tại Vỹ Dạ, TP. Huế, Công ty TNHH MTV TP SEAFOOD do Vương làm giám đốc mở rộng thêm hai chi nhánh tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cải tiến quy trình sản xuất và hệ thống đóng gói bao bì cũng được đầu tư thêm. Sản phẩm của công ty anh tự tin cạnh tranh trên thị trường cả nước và xuất khẩu đi 11 nước trên thế giới theo đường tiểu ngạch. “Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu tìm giải pháp kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm để xuất khẩu nước ngoài theo chính ngạch”, Ngô Đức Vương cho biết.

Vào thời điểm này, cô gái trẻ Lê Thùy Nhi chủ DA “Cỏ bàng Huế” đang chuẩn bị tổ chức các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp với truyền bá lịch sử, văn hóa làng nghề Đệm bàng Phò Trạch. Đây sẽ là điểm mới của du lịch Huế, không chỉ có những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mà còn có thể phát triển nhiều mô hình du lịch hơn, giúp thu hút và giữ chân du khách đến Huế. “Các dịch vụ mà chúng tôi đã cung cấp và tổ chức thành công bao gồm: tham quan ruộng cỏ bàng, phân xưởng sản xuất, quảng diễn các công đoạn xử lý cỏ bàng và đan đệm, cho du khách trải nghiệm đan một số sản phẩm đơn giản ngay tại xưởng sản xuất. Là những người trẻ, nhóm tác giả ý tưởng “Cỏ bàng Huế” đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, Giám đốc Trung tâm KNĐMST tỉnh cho biết, các nhóm khởi nghiệp của các bạn trẻ có xu hướng tăng do có nhiều chương trình hỗ trợ KNĐMST từ các trường đại học, cao đẳng hoặc các chương trình của tỉnh và các địa phương. Qua đó, nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng hoàn thiện ý tưởng, nâng tầm sản phẩm để thương mại hóa thành công DA khởi nghiệp. Tiêu biểu như, sản phẩm bao bì bảo quản thực phẩm sinh học hay còn gọi là chiếc túi biết “thở’’, được sáng tạo nên bởi Công ty Galaxy Biotech; câu chuyện sáng tạo nghệ thuật với hoa giấy của Maypaper Flower và sản phẩm thủ công được kết hợp giữa giá trị thẩm mỹ, tính ứng dụng và tính thân thiện môi trường của Toong Macrame. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công từ những DA khởi nghiệp của người trẻ vẫn chưa nhiều.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Theo anh Nguyễn Văn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu từ và Phát triển DA AIO, đối với những bạn trẻ khi đã có ý tưởng, đề án ấp ủ không nên tự làm riêng mà nên hợp tác với những DN khởi nghiệp cùng lĩnh vực. Cách này, giúp người trẻ hạn chế được những áp lực về thị trường, vốn, doanh thu, lợi nhuận, duy trì hoạt động, lương nhân viên... để tập trung hoàn thiện đứa con tinh thần của mình. Đồng thời, tranh thủ thời gian học tập trải nghiệm rồi đưa KNĐMST vào cùng kết nối nhau, cùng tinh gọn, cùng tạo ra giá trị chung. “Hiện Hội Doanh nhân trẻ đang có những hoạt động kết nối chuyên các lĩnh vực khác nhau để hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp”, anh Bình thông tin.

Thực tế, tỷ lệ KNĐMST do người trẻ tự bỏ tiền ra kinh doanh thành công rất thấp, do người trẻ gặp khó khăn trong việc đánh giá khách hàng mục tiêu để định vị sản phẩm. Theo ông Cung Trọng Cường, đây là giai đoạn quan trọng vì thất bại hay thành công phụ thuộc khá nhiều vào giai đoạn này. Tuy nhiên, việc này cần phải trải nghiệm thực tiễn. Các bạn trẻ nên xây dựng nhóm làm việc với cùng mục tiêu và hiểu rõ về vấn đề quản trị, khách hàng và tài chính. 

Chương trình “Sáng tạo xanh – Khơi nguồn khởi nghiệp trẻ” do Trung tâm KNĐMST tổ chức tháng 4 vừa qua đã truyền cảm hứng, thúc đẩy và ươm mầm tinh thần khởi nghiệp cho nhiều người trẻ. Tại chương trình, những người khởi nghiệp trẻ chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về sáng tạo và khởi nghiệp. Trong khi đó, hoạt động “Kết nối chuyên sâu lĩnh vực nông nghiệp - ẩm thực” được Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức gần đây cũng giúp nhiều start-up trẻ được chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức rất thực tế về KNĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp - ẩm thực. Qua chương trình, nhiều người trẻ đã ký kết được những hợp đồng giao dịch thương mại cũng như nhận được đầu tư phát triển DN.

Ông Cung Trọng Cường cho biết, để người trẻ không đơn độc trên con đường khởi nghiệp, Trung tâm KNĐMST tỉnh đã thực hiện các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm khởi nghiệp nói chung cũng như các nhóm khởi nghiệp trẻ. Đó là, chương trình huấn luyện, đào tạo chuyên môn, chuyên sâu theo từng lĩnh vực với sự hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước, tập đoàn công nghệ, các sở ban ngành. Chương trình kết nối, làm việc tại không gian làm việc chung tại Hue Innovation Hub và các chương trình chia sẻ của chuyên gia, DN thông qua chương trình Opentalk thường xuyên, chia sẻ chuyên đề và các chương trình kết nối cố vấn 1:1 để các nhóm DN khởi nghiệp trẻ có kinh nghiệm để hoàn thiện chiến lược kinh doanh của mình. Đó còn là chương trình hỗ trợ các các vấn đề của DN khi mới thành lập như kế toán, xây dựng thương hiệu, truyền thông và chương trình hỗ trợ ươm tạo và gọi vốn ban đầu để DN có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư và cũng là một cách DN hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh. “Tuy nhiên ngoài các hỗ trợ cơ bản từ môi trường, cách tiếp cận, vấn đề cốt lõi vẫn là sự quyết tâm, kiên trì và theo đuổi mục tiêu của bản thân mỗi người trẻ khi khởi nghiệp mới quyết định được sự thành công”, ông Cường khẳng định.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN