Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Cử tri và nhân dân cả nước đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...
Nhân dân ghi nhận Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “Nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19, “đấu giá đất bất bình thường rồi bỏ cọc” và phát hành trái phiếu trái pháp luật của Công ty Tân Hoàng Minh, vụ án xảy ra ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; vụ buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai, Quảng Ngãi…; xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đang công tác hoặc đã nghỉ hưu như ở Học viện Quân y, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", điển hình như các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Gia Lai...
Cử tri và nhân dân bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tránh tạo kẽ hở cho hành vi tham nhũng; kiểm soát thực chất, hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên và quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện hiệu quả, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đến chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết. Rà soát các bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công...
Cử tri và nhân dân mong muốn cần sớm xem xét, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; lừa đảo qua không gian mạng; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất, mua nhà ở nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây nhà ở để ổn định cuộc sống ảnh hưởng xấu đến đời sống của Nhân dân; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất; các tài nguyên, khoáng sản khác...
Sớm xác minh, điều tra và xử lý nghiêm khắc tổ chức, cá nhân, lấy danh nghĩa hiến đất làm đường, sau đó phân lô, bán nền; hiện tượng chặt, phá rừng diễn ra ở một số tỉnh, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật; các đối tượng giả danh cán bộ, công chức của ngành công an, viện kiểm sát, tòa án, điện lực, bưu điện... gọi điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của người dân. Đồng thời có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa, hiệu quả các hiện tượng nêu trên.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo tổng kết, đánh giá rút ra những bài học quý báu từ công tác phòng, chống COVID-19; trên cơ sở đó rà soát quy hoạch, ưu tiên nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn và kỹ năng quản trị cơ sở y tế.
Có chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên cán bộ ngành y tế yên tâm công tác, phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đánh giá toàn diện kết quả đạt được, hạn chế, kẽ hở để bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách… rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân.
Quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai. Chỉ đạo giải quyết thấu đáo những vấn đề "tồn đọng" về đất đai do lịch sử để lại, nhất là tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; theo dõi, giám sát chặt chẽ chỉ số lạm phát, giá cả một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng; khẩn trương triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì những chương trình này tác động chủ yếu vào vùng nông thôn, vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, đối tượng thụ hưởng phần đông là hộ nghèo, cận nghèo (người dân rất mong đợi vì chỉ còn hơn 3 năm nữa là hết hiệu lực của quyết định đầu tư mà hiện nay chưa hoàn thành các thủ tục để giải ngân)…
Theo Báo Tin tức