Có việc làm, thu nhập ổn định, người nghèo không chỉ thoát được nghèo mà còn nâng cao mức sống

Gắn trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức

Theo Quyết định số 353 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế có 1 huyện nghèo là A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, gồm: Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền), Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Giang Hải (huyện Phú Lộc), Phú Gia, Phú Diên (huyện Phú Vang).

Ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, không chỉ quyết tâm đưa huyện nghèo và các xã nghèo ra khỏi danh sách của Quyết định 353 mà còn phải tập trung vào một số xã nghèo khác. Theo chuẩn nghèo đa chiều 2021-2025, trên địa bàn tỉnh còn 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 25% trở lên, trong đó 14 xã thuộc huyện A Lưới và 2 xã (Hương Hữu, Thượng Long) của huyện Nam Đông. TP. Huế sau mở rộng, sáp nhập cũng rơi vào tình trạng tỷ lệ hộ nghèo tăng cao. Nhiệm vụ cấp bách của TP. Huế là phải đẩy lùi hộ nghèo và trong thời gian sớm nhất phải đưa tỷ lệ hộ nghèo về 0%.

Với mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp và phải giảm nghèo bền vững, các địa phương xây dựng những cách làm mới, linh hoạt, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế và giảm nghèo theo từng địa chỉ cụ thể. Với cách làm mới này, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn nhận hỗ trợ xóa nghèo theo địa chỉ cho một số lượng hay danh sách hộ nghèo cụ thể ở từng xã mà không phân công ghép 3 cơ quan cùng hỗ trợ 1 xã như trước.

Lâu nay ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng các cấp hội, đoàn thể đứng ngoài cuộc, chưa phát huy vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện các chương trình về giảm nghèo. Vì thế, để huy động sự chung tay, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, ngay ở mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội phải xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể đối với từng hộ nghèo, phù hợp với tình hình thực tiễn, đúng trọng tâm, trọng điểm. Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị để đưa vào tiêu chí bình bầu, bình xét thi đua hằng năm. Ngoài ra, cũng nên có chế độ thưởng đối với các xã làm tốt công tác giảm nghèo theo từng mức giảm nghèo cụ thể.

Làm đến nơi đến chốn

Thực tế, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi các nguồn lực đóng góp về vật chất và tinh thần rất lớn. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, cần huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội và cũng cần khơi thông các nguồn lực, cũng như triển khai có hiệu quả các nguồn hỗ trợ để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo “đa chiều, bao trùm, bền vững”.

Phương thức hỗ trợ người nghèo ở các địa phương cũng dần thay đổi. Tiêu chí đặt ra của các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là ưu tiên các hỗ trợ tạo sinh kế, hạn chế “cho không” và tập trung hỗ trợ xóa các chiều thiếu hụt cụ thể của từng hộ gia đình. Nhất là ở các xã nghèo vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng tập huấn, hướng dẫn trực tiếp các mô hình phát triển sinh kế, sản xuất theo phương pháp “lớp học hiện trường”.

Thời gian qua, quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững vẫn còn những tồn tại, hạn chế là do chương trình, kế hoạch giảm nghèo có nơi chưa quyết liệt, chưa đồng hành suốt chặng đường dài ngay cả khi hộ nghèo đã thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới chia sẻ: Lâu nay, hộ nghèo được “cho”, được hỗ trợ khá nhiều từ các chương trình, dự án. Thế nhưng khi chương trình, dự án kết thúc vẫn chưa đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững, thậm chí nhiều hộ tái nghèo. Việc hỗ trợ cho các hộ thoát nghèo theo chính sách không chỉ dừng ngang 1 hay 2 năm, mà có thể kéo dài đến 3 năm. Hoặc, khi hộ nghèo đã thoát được nghèo vẫn nên duy trì hỗ trợ một phần nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư, phát triển kinh tế ổn định.

Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nam Đông cũng chỉ ra một số trường hợp đã thoát nghèo ở địa phương là nhờ có việc làm ổn định tại nhà máy, xí nghiệp sản xuất trên địa bàn hoặc đi lao động ngoại tỉnh, lao động ở nước ngoài... Nên ngoài hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, việc thu hút doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất để tạo ra việc làm ổn định cho người dân là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, bền vững nhất.

Ngoài vai trò của chính quyền các cấp, để tổ chức thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm kết quả chính xác, đúng thực trạng, ngành LĐTB&XH tập trung xây dựng đội ngũ điều tra viên có chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý, khoa học, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp theo từng nhóm hộ nghèo, từng khu vực.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG