Các nhà lãnh đạo của các thành viên nhóm Bộ tứ tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/5. Nguồn: CNN/Baoquocte
Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng sẽ có các cuộc gặp song phương, trong đó Thủ tướng Ấn Độ sẽ có cuộc hội đàm và tiệc tối làm việc với nhà đồng cấp Nhật Bản Kishida.
Trên cương vị chủ trì Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo QUAD, Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết các sự kiện gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định. Cũng tại sự kiện này, Thủ tướng Modi nói rằng Ấn Độ sẽ hướng tới tầm nhìn chung của “Bộ tứ” về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở và “tiếp tục củng cố hình ảnh của Bộ tứ như một lực lượng vì chính nghĩa”.
Ngoài ra, lãnh đạo bốn nước cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nguyên tắc bao gồm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời kêu gọi thúc đẩy các nguyên tắc này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Các nhà lãnh đạo cũng thể hiện quyết tâm đối phó với những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo truyền thông địa phương đưa tin, một sáng kiến hàng hải nhằm giúp các nước theo dõi việc đánh bắt bất hợp pháp và giám sát các hoạt động khác trong vùng biển các nước đã được công bố tại hội nghị.
Song song đó, các hành động khác mà các nước này có thể cùng nhau hợp tác thực hiện trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng được nhà lãnh đạo bàn thảo, bao gồm việc khởi động một khuôn khổ mới về hành động chống biến đổi khí hậu, và chia sẻ dữ liệu từ vệ tinh của bốn quốc gia với các quốc gia khác.
Trước đó, trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết các thành viên QUAD sẽ đầu tư 50 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng Ấn Độ - Thái Bình Dương trong 5 năm tới.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang xem xét “hỗ trợ đầu tư” 4 tỷ USD cho Ấn Độ ngoài hàng tỷ USD đã gia hạn trước đó, New Delhi cho biết hôm qua (23/5), sau khi hai bên ký một thỏa thuận về sản xuất vaccine ngừa COVID-19, chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo, tài chính toàn diện và cơ sở hạ tầng.
Ấn Độ cũng tham gia cùng với Mỹ và 11 quốc gia khác trong các cuộc hội đàm kinh tế do Mỹ dẫn đầu có tên là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & NHK)