Số ca mắc COVID-19 trung bình trong tuần bằng gần 1/100 giai đoạn cao điểm
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 24/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.323 ca nhiễm mới trong đó 1 ca nhập cảnh và 1.322 ca ghi nhận trong nước tại 43 tỉnh, thành phố (có 941 ca trong cộng đồng).
Số ca mắc mới trong ngày nhiều nhất vẫn là Hà Nội với 321 ca; 42 tỉnh, thành còn lại chỉ dao động từ 1 ca đến dưới 100 ca là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Hải Dương, Tuyên Quang, Bình Phước, Lào Cai, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Hà Giang, Lâm Đồng, Quảng Bình, Sơn La, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Trị, Ninh Bình, Cao Bằng, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Lai Châu, Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Bình Dương, Gia Lai, Bình Thuận, Bến Tre, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu.
Hướng dẫn mới nhất về phương tiện phòng hộ dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho thấy cán bộ y tế không cần phải mặc đồ bảo hộ kín mít...
Như vậy 20 tỉnh, thành còn lại không có ca mắc mới. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.487 ca/ngày. Đây là con số thấp nhất trong nhiều tháng qua, đặc biệt so với giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19 cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022 thì chỉ bằng gần 1/100.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.711.389 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.205 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.703.631 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.598.484), TP. Hồ Chí Minh (609.206), Nghệ An (484.208), Bắc Giang (387.530), Bình Dương (383.770).
Còn hơn 1,25 triệu người mắc COVID-19 đang giám sát, điều trị
Đến nay, tổng số ca người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 9.412.403 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.255.910 trường hợp, trong đó có 216 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 171; Thở ô xy dòng cao HFNC: 27; Thở máy không xâm lấn: 4; Thở máy xâm lấn: 12; Thở ECMO: 2.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị COVID-19.
Dịch COVID-19: Cán bộ y tế không cần phải mặc đồ bảo hộ kín mít
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định về việc hướng dẫn lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19.
Phương tiện phòng hộ cá nhân gồm găng tay y tế, khẩu trang y tế (sử dụng một lần), khẩu trang hiệu suất lọc cao (gọi tắt là khẩu trang N95), áo choàng, tấm che mặt hoặc kính bảo hộ.
Áo choàng gồm 3 loại:
- Áo choàng sử dụng một lần.
- Áo choàng sử dụng lại: Với những đơn vị có nguồn lực hạn chế, nhân viên y tế khi thực hiện thăm khám, chăm sóc hoặc thực hiện các quy trình kỹ thuật không có nguy cơ văng bắn máu, dịch cơ thể người bệnh COVID-19 tới thân mình (ví dụ: thủ thuật can thiệp vào mạch máu lớn, chăm sóc vết thương rộng, thủ thuật sản khoa...) có thể sử dụng áo choàng sản xuất từ vật liệu có thể giặt khử khuẩn như vải polyester hoặc polyester-cotton và phải thực hiện giặt khử khuẩn trước khi dùng lại đúng quy định.
- Áo choàng có thiết kế dài tay bao phủ toàn thân từ cổ đến đầu gối, cổ áo tối thiểu phải che kín đến khớp ức đòn, có dây buộc hoặc khuy cố định áo phía sau lưng.
Theo hướng dẫn mới này chỉ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tối thiểu theo nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Chẳng hạn tại cơ sở y tế với nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp như không tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 (khu hành chính, văn phòng...) chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế.
Tương tự, tại khu vực lâm sàng, cận lâm sàng không có bệnh nhân COVID-19 cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, có thể sử dụng găng tay y tế hoặc không tùy theo tình huống cụ thể. Nhân viên y tế làm việc tại khu vực tiếp đón của bệnh viện cũng chỉ cần sử dụng khẩu trang y tế, có thể có hoặc không cần tấm che mặt.
Người lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp hoặc thực hiện test nhanh kháng nguyên được xếp vào nhóm có nguy cơ rất cao nên phải dùng khẩu trang N95, găng tay y tế, áo choàng và tấm kính che mặt.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 528.679.927 ca COVID-19, trong đó có 6.303.127 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 572.691 và 1.264 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 499.093.576 người, 23.283.224 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 37.991 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 54.198 ca; Australia đứng thứ hai với 42.759 ca; tiếp theo là Mỹ (37.832 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 182 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil với 178 ca và Đức 141 ca. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 85.152.708 người, trong đó có 1.029.308 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.141.200 ca nhiễm, bao gồm 524.490 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.778.815 ca bệnh và 665.905 ca tử vong. Theo báo cáo mới nhất của Viện nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi, công bố ngày 23/5, trong tuần qua, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 107.000 ca mắc COVID-19 là trẻ em, tăng 72% so với cách đây hai tuần. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp số trẻ em mắc COVID-19 tăng tại Mỹ. Như vậy kể từ khi bùng phát đại dịch, đến nay Mỹ có 13,3 triệu trẻ em dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý là trong số này có tới 316.000 trẻ được ghi nhận mắc trong 4 tuần vừa qua |
Theo SK&ĐS