Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại buổi thảo luận tại tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19," kinh tế-xã hội có nhiều khởi sắc. GDP quý 4 tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; 7/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực

Trong phần thảo luận tại tổ, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021 cần lưu ý hơn nữa những chỉ tiêu không đạt như kế hoạch đề ra. “Tôi quan tâm nhất là chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Chúng ta dự kiến 6% nhưng chỉ đạt trên 2%. Ngoài ra, mức giảm  tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dự kiến đạt 1-1,5 điểm nhưng chúng ta chỉ đạt 0,5 điểm. Dù có nhiều nguyên nhân nhưng cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong năm 2022”, bà Nguyễn Thị Sửu nói.

Về kết quả những tháng đầu năm 2022, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận, Chính phủ đã ban hành nhiều nhiệm vụ giải pháp có tính căn cơ, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế cần quan tâm như, giá xăng dầu, một số mặt hàng quan trọng biến đổi theo chiều hướng tăng; nguồn nhân lực lao động đang thiếu hụt cục bộ; thu ngân sách tăng 15,4 % so với cùng kỳ song thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ đạt 5,4%; nông sản chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, thiếu bền vững.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đồng tình, đánh giá cao những kết quả trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Tuy nhiên, bà Sửu đề nghị lưu ý đến việc huy động nguồn thu từ thuế, phí còn thấp hơn mục tiêu đề ra, công tác thu chi dự báo chưa sát thực tế. “Nguồn thu hụt trên 7,9%-12,9% và số chi hụt 3,61%”, bà Sửu dẫn chứng.

Bước vào thời kỳ chuyển đổi số, việc quản lý kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến, song ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận vẫn còn nhiều bất cập. “Tôi cho rằng chúng ta chưa có các giải pháp đồng bộ toàn diện để quản lý hiệu quả, đề nghị có những chính sách tối ưu để tăng nguồn thu, đảm bảo không bị thất thu ngân sách”, bà Sửu nêu quan điểm.

Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu còn cho rằng, việc tiến độ phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quá chậm, lãng phí cơ hội cho người hưởng lợi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, hải đảo, ven biển. “Bên cạnh phân bổ vốn, giải ngân nguồn vốn ODA nhiều năm qua chậm khiến phải huỷ dự toán, dẫn đến mất cơ hội. Nhiều dự án giải ngân chỉ đạt trên 2%, cần xem xét lại quá trình thực hiện.  Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn chưa tốt, có xu hướng tăng...”, bà Sửu nói.

ĐBQH Nguyễn Hải Nam đặc biệt quan tâm đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Liên quan đến vấn đề kinh tế, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nhiều dự án chậm triển khai đang gây lãng phí lớn. Qua quá trình giám sát, hiện nhiều tỉnh, thành đang để các trụ sở hành chính bỏ hoang sau khi sáp nhập, gây nên sự lãng phí.

Câu chuyện thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu cũng khiến ĐBQH Nguyễn Hải Nam băn khoăn. Ông nêu quan điểm: “Mục tiêu ban đầu của Nghị quyết 42 của Quốc hội đề ra không đạt được. Để đảm bảo mục tiêu, cần sửa một số điều khoản trong Luật Tổ chức tín dụng và những luật khác liên quan để xử lý nợ xấu theo tiến độ tốt hơn”. Đồng thời, trước những rủi ro bất ổn của  thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ĐBQH này đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính cần chấn chỉnh lại thị trường này, nhưng đảm bảo khơi thông thị trường, tạo ra kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Lê Thọ