Nhân viên y tế kiểm tra chỉ số bọ gậy trong các vật chứa nước
Ca bệnh gia tăng
Theo Bộ Y tế, hiện nay số ca nhập viện do sốt xuất huyết Dengue đang tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các chuyên gia y tế dự đoán, năm 2022 sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch, đỉnh dịch rơi vào khoảng tháng 6-7.
Số liệu thống kê của ngành y tế cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2022, cả nước có 18.599 ca sốt xuất huyết và đã có 11 trường hợp tử vong. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh), trong 4 tháng đầu năm 2022 đã tiếp nhận 2.006 lượt khám sốt xuất huyết, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca cần cấp cứu chiếm 17% số ca nhập viện. Số ca nhập viện và trở nặng hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại Thừa Thiên Huế, số ca bệnh sốt xuất huyết đã tăng nhanh từ 19 trường hợp ngày 26/4 lên 48 trường hợp ngày 23/5 và đang tiếp tục được ghi nhận. TP. Huế đang có số ca bệnh sốt xuất huyết cao nhất với 24 trường hợp được xác định tại 22 điểm, phân bố ở 14 xã, phường và có 14 ca bệnh chưa qua 14 ngày.
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt vi-rút thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng. Chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương giám sát tình hình dịch tễ và xử lý các trường hợp ca bệnh, không để các ổ dịch trở thành điểm nóng.
Tại các khu dân cư xuất hiện ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xác định rõ nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Đó là điều kiện vệ sinh nhà ở, vườn tược của người dân chưa sạch, rác thải nhiều và thời tiết mưa nắng thất thường… Qua đó, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chủ động, như: diệt lăng quăng/bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng, kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ khi có nguy cơ bùng phát xảy ra dịch.
Chủ động bảo vệ gia đình
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh sốt xuất huyết, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người nên dành 10 - 15 phút trong tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống và không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị sốt xuất huyết cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị kịp thời. Theo khuyến cáo của ngành y tế, những dấu hiệu cảnh báo sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết gồm: chảy máu, xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da, chảy máu mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt nhiều bất thường, rối loạn ý thức hoặc co giật, tay và chân lạnh ẩm, khó thở… Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cấn đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt.
Sốt xuất huyết gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như: sốc mất máu, tràn dịch màng phổi, suy đa tạng, xuất huyết não, xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu. Trong các biến chứng do sốt xuất huyết thì nặng nhất là tràn dịch màng phổi và máu đọng trong thận. Hai biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh. Ở người lớn, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, tỷ lệ xuất huyết não chiếm 1%, máu chảy lan nhiều chỗ trong não. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tử vong cao ở người lớn khi mắc bệnh này.
Đối với trẻ nhỏ, khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày, phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết sớm nhất.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN