Chạy bộ là môn thể thao ít tốn kinh phí đầu tư nhất
Không cần phải nói nhiều về sức lan tỏa và thu hút của chạy bộ ở Việt Nam. Minh chứng rõ nhất là những giải Marathon được tổ chức trong những năm gần đây đều thu hút trên 5 nghìn lượt vận động viên tham gia, bất chấp nhiều giai đoạn căng thẳng vì dịch bệnh. Những giải lớn và uy tín trong nước, như Tiền Phong Marathon, VnExpress Marathon, HCMC marathon . . . đều là những sự kiện được giới runner đón chờ hằng năm, cả chân chạy chuyên nghiệp lẫn phong trào. Nhiều giải đấu gần đây ghi nhận số lượng đăng ký vượt trội ở các cự ly haft Marathon (21km) và full Marathon (42km). Thậm chí, thành tích của nhiều chân chạy nghiệp dư còn tiệm cận với những vận động viên chuyên nghiệp. Điều này thể hiện sự lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng của phong trào chạy bộ ở Việt Nam hiện nay.
TP. Huế được xem là hội đủ mọi điều kiện lý tưởng nhất để chạy bộ. Không khí trong lành, nhiều cây xanh, hệ thống công viên rộng lớn dọc 2 bên bờ sông đáp ứng hoàn hảo cho các buổi chạy. Vì thế, phong trào chạy bộ ở đây thực sự lớn mạnh. Huế runner, HCR, Huế trialonge là những câu lạc bộ có hàng trăm hội viên. Chưa kể những hội nhóm nhỏ, những cá nhân thường xuyên duy trì chạy bộ như một niềm yêu thích hằng ngày. Huế vì thế cũng là điểm dừng chân thường niên của nhiều giải chạy chuyên nghiệp.
Để chạy ảo - người chơi phải mua giày. Đôi rẻ nhất trên mạng có giá tầm 23 triệu đồng
Công nghệ phục vụ cho việc chạy liên tục phát triển. Nhất là các phần mềm hỗ trợ theo dõi sức khỏe được cài đặt trên điện thoại. Strava là phần mềm phổ biến nhất hiện nay với 50 triệu lượt tải về. Từ những phần mềm nền tảng này, một trào lưu mới xuất hiện gọi là giải chạy ảo. Gọi là ảo nhưng phải chạy thật. Đơn vị tổ chức sẽ công bố các tiêu chí dự giải, người dùng chỉ việc đăng ký và đồng bộ với các ứng dụng. Thông qua các ứng dụng này, hoạt động chạy bộ được ghi nhận chi tiết từ quãng đường, vận tốc, nhịp tim, tốc độ. Nhà tổ chức dựa vào các thông số này để trao giải. Nói nôm na, giải ảo là người chơi chạy riêng lẻ với sự giám sát của các “trọng tài” là những ứng dụng theo dõi sức khỏe. Nhiều ứng dụng cho phép các cá nhân, đội nhóm tự tổ chức các giải đấu với nhau như 84Race, Uprace... Trong giai đoạn dịch bệnh, không thể tập trung đông người, các giải ảo này thu hút đông đảo người chơi. Có giải phải trả phí tham gia, có giải miễn phí. Đổi lại, người chơi nhận được huy chương, vật phẩm như một sự động viên, khích lệ theo đuổi lâu dài bộ môn thú vị này.
Từ đầu năm 2022, một trào lưu khác bắt đầu nhen nhóm và hiện tại đã phát triển mạnh mẽ là chạy bộ kiếm tiền: “move to ern”. Thuật ngữ này kế thừa trào lưu “play to ern: chơi game kiếm tiền” nở rộ vào khoảng 2 năm trước. “Play to ern” là các gamefimang có yếu tố tài chính. Người chơi được trả thưởng bằng các đồng tiền trong game gọi là token. Những token này có thể giao dịch trực tiếp trên các sàn giao dịch điện tử và đổi ra tiền thật. Tùy vào sự đầu tư, mức độ nổi tiếng của các game, danh tiếng đội ngũ phát triển (devenloper) mà đồng token đó có một giá trị nhất định. Những gamefi đình đám nhất có thể kể đến là Axe Infinity, một dự án được phát triển bởi đội ngũ Việt Nam và được xem là hiện tượng của thị trường game crypto năm 2021. Hiện tại, gamefi này thu hút khoảng 2 triệu người chơi hằng tháng, với doanh thu khoảng 3,8 tỷ USD. Những dòng gamefi khác như Thetan Arena, The Sanbox, Star Atlas... cũng thu hút sự quan tâm của người chơi.
Tuy vậy, play to ern đang dần yếu thế và nhường chỗ cho “move to ern”. Xu hướng này đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu của dân chạy bộ: vừa hoạt động thể lực, vừa kiếm tiền. Anh Phúc Lợi, một người chơi crypto lâu năm cho biết: “Thông thường người mới chơi chỉ mua một đôi giày bình thường với giá quy đổi ra tiền Việt tầm 30 - 40 triệu đồng. Khi bật ứng dụng để chạy, người chơi có thể kiếm được 10 – 14GST (đồng Token của game)”. Với giá trên sàn giao dịch khoảng 3 USD cho mỗi GST, sẽ tương đương với 800 ngàn – 1 triệu đồng mỗi ngày. Tính toán tất cả các chi phí nâng cấp, sửa giày, sau khoảng 30 ngày tính từ ngày đầu tư, người chơi có thể “về bờ” (hồi vốn) và bắt đầu kiếm tiền.
Song, cách đây một thời gian ngắn, sự sụp đổ của các sàn tiền ảo là một lời cảnh báo cho những ai đang quan tâm đến lĩnh vực này. Đặc biệt là cái chết của đồng Luna, một coin (tiền ảo) khá nổi tiếng đã khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng. Sự sụp đổ của đồng Luna đã kéo theo sự tuột dốc của những đồng tiền số khác, sắc đỏ phủ kín các sàn giao dịch trong hơn 1 tuần, thậm chí lan qua cả lĩnh vực chứng khoán.
Cho dù vậy, xu hướng “move to ern” vẫn đang bùng nổ và thu hút ngày càng nhiều người chơi. Theo thống kê, ứng dụng StepN có 2,3 triệu người chơi và trên 100 nghìn lượt chơi mỗi phút. Nhanh chóng nắm bắt xu hướng, nhiều ứng dụng “move to ern” khác cũng đã ra mắt như calorun, sweat coin, stepbet được thị trường quan tâm. Và cũng như dòng “play to ern” trước đó, thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều dự án scam (lừa đảo) nếu người chơi không thận trọng sẽ khó tránh khỏi hậu quả khó lường.
Bài, ảnh: ĐẮC MẪN