Rất nhiều gia đình người Huế có hai đến ba, thậm chí bốn thế hệ cùng sinh sống. Thế nên, thường không gian sinh hoạt riêng tư cho từng thành viên sẽ khó đáp ứng yêu cầu nếu diện tích đất không đảm bảo. Hơn nữa, đa phần những gia đình chấp nhận sống như thế một phần cũng vì kinh tế khó khăn chưa thể đầu tư mua đất làm nhà.

Và khi có có cơ hội “ra riêng”, tất nhiên những căn hộ dù nhỏ nhưng chủ nhân của nó - đa phần là những gia đình trẻ đều ưu tiên cho những căn phòng riêng tư dành cho con cái, vợ chồng. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của con trai và con gái khi đến nhà bạn chơi, chứng kiến những căn phòng dành cho lũ trẻ nhà bạn, chúng cứ ao ước giá như mình cũng có phòng riêng như thế. Vậy nên khi làm nhà, chúng tôi cũng cố gắng đầu tư cho con. Dù không để chúng tự chọn màu theo sở thích vì sẽ lệch pha với tổng thể công trình, nhưng nội thất và các vật dụng đều cố gắng chọn cho con những thứ phù hợp và đẹp nhất. Khó tả hết cảm giác vui sướng của các con khi lần đầu có không gian riêng. Chúng dành rất nhiều thời gian ở trong phòng ngoài giờ học và bày đủ trò chơi. Thỉnh thoảng còn mời bạn đến chơi cùng, tiện thể “khoe” phòng mới. Tôi cũng thấy được ánh mắt tự hào của con về không gian riêng của mình. Niềm hạnh phúc đó cũng truyền đến những người làm cha mẹ. Rõ là hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của cha mẹ. Đó cũng là niềm mong của chúng tôi về một căn nhà có những không gian riêng sau bao năm chấp nhận sống chung trong ngôi nhà cấp bốn chật chội, cũ kỹ vì vướng quy hoạch treo.

Phòng khách và bếp, bàn ăn được thiết kế hạn chế các khoảng cách để tạo sự kết nối cho các thành viên trong gia đình

Dù thế, chúng tôi cũng không quên dành một quỹ đất cho không gian sinh hoạt chung. Giữa phòng khách và phòng bếp, bàn ăn cũng hạn chế tối đa những khoảng cách để mọi thành viên dù là đang nấu ăn hay xem tivi, đọc báo ở phòng khách vẫn có thể trò chuyện cùng nhau. Đôi khi bàn ăn còn được tận dụng để tranh thủ hướng dẫn con học bài, làm bánh, bày biện cách cắm hoa, làm đồ chơi... Nhờ thế mà không gian chung luôn rộn ràng tiếng cười, là nơi sinh hoạt của cả gia đình và thỉnh thoảng còn tiếp khách nữa. 

Bạn tôi thì chưa có điều kiện làm nhà nhưng với phần ngăn ra từ nhà ông bà nội cũng cố gắng làm thêm gác lửng để cậu con trai lớn có phòng riêng. Phía trước thì tận dụng khoảng sân làm phòng khách sinh hoạt chung cho gia đình nhỏ. Bạn cũng khéo léo bố trí thêm bộ bàn ghế Sofa cho tụi nhỏ xem phim, rồi làm bàn ăn chung cho cả nhà. Thỉnh thoảng đến chơi chúng tôi cũng được tiếp ở đây. Dù không rộng rãi nhưng với bạn, đó là lựa chọn tối ưu khi chưa thể xây nhà mới.

Cũng như chúng tôi, rất nhiều gia đình trẻ người Huế và cả không còn trẻ nữa cũng đã chọn phương án đầu tư xây dựng những không gian riêng cho vợ chồng và con cái, nhưng cũng không thể không có không gian chung. Với người Huế, đó còn là nét đẹp văn hóa, là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình.

Theo Hội Kiến trúc sư tỉnh, ngày nay khi các chủ đầu tư yêu cầu thiết kế đều ưu tiên mỗi thành viên một phòng, trừ vợ chồng. Đó cũng là xu hướng tất yếu. Tùy theo tài chính và công năng sử dụng mà mỗi công trình có mức giá đầu tư khác nhau, song về cơ bản mỗi phòng có mức giá đầu tư khoảng từ 100-300 triệu đồng/tùy nội thất và diện tích. Nếu đất rộng, phòng lớn, nội thất cao cấp thì mức giá còn cao hơn. Song với những công trình trung bình có diện tích xây dựng tầm 150m2, với 3 phòng ngủ từ 12-20m2, cùng các nội thất cơ bản như điều hòa, tivi, giường, tủ áo quần... dao động khoảng trên dưới 200 triệu đồng. Đây là mức giá có thể chấp nhận được với những gia đình trẻ, trung niên.

Bài, ảnh: HỒNG TÂM