Mục tiêu 90-90-90 được hiểu là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.

Thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, tháng 12/2021 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đề ra các hoạt động nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi hành vi, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Theo đó, Thừa Thiên Huế phấn đấu ít nhất 75% đơn vị cấp xã tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên. Ít nhất 75% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; ít nhất 65% người lao động trong các khu công nghiệp, 80% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm. 100% các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Ít nhất 70% các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người, chương trình phòng, chống HIV/AIDS. 100% tin báo tố giác, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời…

Phát động phong trào thi đua phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, BCĐ Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống HIV/AIDS để hoàn thành các chỉ tiêu về chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong năm. Trong đó, Sở Y tế hỗ trợ chuyên môn và tạo điều kiện cho các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện tốt các hoạt động thuộc về chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình để có những giải pháp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp cho các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành các chỉ tiêu chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2022. Đồng thời, bảo đảm kinh phí theo chương trình đã phân bố theo “dự toán chi tiết kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2022”.

UBND các huyện, thị xã và TP. Huế căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của địa phương và chỉ tiêu về chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 được giao, chỉ đạo trung tâm y tế, các phòng, ban liên quan và các xã, phường, thị trấn tập trung tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn của Sở Y tế và các nhiệm vụ khác của địa phương. Nghiên cứu, đề ra những giải pháp tích cực và đầu tư thêm nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS để quyết tâm phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trong năm 2022 với kết quả cao nhất. Đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa, lồng ghép đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào hương ước, quy ước xây dựng cơ quan, đơn vị, làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa trong phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

ĐỒNG VĂN