Cán bộ Hội Nông dân khảo sát mô hình vay vốn
Hiệu quả chuyển tải vốn
Trên chiếc ghe nhỏ, ông Lê Công Thông, thôn Lại Tân, xã Phú Mậu đưa chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình. "Vốn là dân sông nước nên kinh tế gia đình luôn gắn với việc lênh đênh trên sông, chỉ lấy việc đánh bắt là “cần câu cơm” chính, ít khi nghĩ đến việc ổn định sản xuất bằng mô hình cụ thể. Nhưng rồi sau 1 thời gian lên bờ định cư, suy nghĩ ấy dần trở thành rào cản trong phát triển kinh tế, vì việc đánh bắt ngày một khó khăn", ông Thông nói.
Với sự hỗ trợ tư vấn từ Hội Nông dân (HND) xã, ông Thông được tiếp cận với nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm trong đánh bắt, ông Thông bắt nhịp nhanh với mô hình và học hỏi thêm kỹ thuật ươm, nuôi cá trắm, cá diêu hồng. Cũng từ nguồn vốn này, ông chính thức thoát nghèo, đầu tư sửa chữa nhà cửa, cho con cái ăn học. “Thời gian tới, khi trả xong nợ ngân hàng, gia đình sẽ tiếp tục vay vốn để đầu tư nâng cấp lại lồng nuôi, đầu tư thêm con giống để mở rộng mô hình của gia đình" - ông Thông cho biết.
Bà Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch HND xã Phú Mậu bộc bạch, việc triển khai vay vốn từ NHCSXH có nhiều thuận lợi vì lãi suất thấp, thời gian cho vay dài rất phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn. Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhiều người dân đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thấy được hiệu quả trong vay vốn nên ý thức của các hội viên khi vay vốn và trả nợ ngân hàng cũng ngày càng cao.
Một trong những thành công lớn nhất của Phú Mậu trong phát huy hiệu quả nguồn vốn TDCS là nhiều năm liền không để phát sinh nợ xấu, dư nợ tín dụng cũng luôn nằm top đầu của khu vực thành phố với mức 31 tỷ đồng.
Dự phòng rủi ro
Một trong những cách làm ở Phú Mậu được NHCSXH đánh giá cao chính là khả năng dự phòng được rủi ro tốt. Với những trường hợp có khả năng phát sinh nợ xấu, ban giảm nghèo xã, hội đoàn thể, tổ TK&VV trực tiếp mời hội viên vay vốn lên trụ sở, hoặc đến tận nhà nhắc nhở về thời hạn trả nợ cũng như tư vấn, hướng dẫn phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
“Xã luôn tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương với việc triển khai thực hiện các chương trình TDCS xã hội trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Trai - Chủ tịch UBND, Trưởng ban Giảm nghèo xã Phú Mậu cho biết.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS, Phú Mậu cũng đã tận dụng nguồn vốn từ dự án phi chính phủ tài trợ trước đó để thực hiện chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho người dân vay vốn với lãi suất 0%. Đây cũng là địa phương cấp xã duy nhất thực hiện ủy thác qua NHCSXH.
“Nguồn vốn ủy thác này được thực hiện từ năm 2014 sau khi Chỉ thị 40 được ban hành. Đến nay, nguồn vốn ủy thác này đang duy trì ở mức 230 triệu đồng phục vụ nhu cầu cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn tại chỗ cho người dân và thể hiện sự thống nhất trong công tác điều hành và phát huy hiệu quả hoạt động TDCS tại Phú Mậu”, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu khẳng định.
Bài, ảnh: Hoàng Loan