Bạn thường mua gói massage body (tạm dịch là dịch vụ chăm sóc cơ thể), một gói gồm 20 lần massage với giá 7-8 triệu đồng, tùy từng thời điểm. Sử dụng hết gói này, bạn tiếp tục mua gói khác, bởi khá hài lòng với chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên nơi đây.
Cách đây hơn một năm, bạn lại tiếp tục mua gói massage body. Đến massage được buổi thứ 5 thì Spa chấp hành theo quy định, tạm thời đóng cửa do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện tại, Spa đóng cửa vừa tròn 1 năm. Trong thời gian đó, nhiều lần bạn gọi đến điện thoại cố định của Spa để hỏi thăm tình hình. Đáp lại là tiếng “ò í e” từ đầu dây bên kia. Bây giờ, các Spa đã được phép mở cửa hoạt động trở lại, nhưng bạn cũng vẫn không thể nào liên lạc được với chủ Spa.
Vẫn giữ số điện thoại di động của nhân viên Spa, nên bạn liên hệ để hỏi, thì mới biết, cách đây vài tháng, chủ Spa đã trả lại mặt bằng tại đường Bến Nghé; đang tìm mặt bằng khác để thuê nhưng chưa tìm được. Lần nào hỏi, cũng vẫn câu trả lời như vậy.
Điều này khiến khách hàng của Spa và bất cứ ai cũng có thể không đồng ý, bất bình với thái độ, cách hành xử thiếu trách nhiệm của chủ Spa. Đành rằng, vì hoàn cảnh khách quan dịch bệnh, phải đóng cửa theo quy định. Thế nhưng lẽ ra, chủ Spa phải có trách nhiệm chủ động liên hệ với khách hàng, những người đã mua các gói chăm sóc sắc đẹp với số tiền không nhỏ, đã trả tiền trước trọn gói, nhưng chưa sử dụng được bao nhiêu như bạn, để trao đổi, đưa ra phương án giải quyết. Hoặc hai bên thỏa thuận, khách hàng đồng ý chờ đợi đến lúc Spa mở cửa hoạt động trở lại, dù thời gian có lâu dài. Hoặc chủ Spa trả lại tiền mà khách hàng đã mua dịch vụ, nhưng chưa sử dụng đến, trong trường hợp chủ Spa chưa biết lúc nào mở cửa hoạt động lại; không biết có mở cửa hoạt động lại hay không.
Một Spa khá quy mô với lượng khách hàng khá đông, có lẽ số tiền mà chủ Spa đang “chiếm giữ” của các khách hàng không phải nhỏ. Thế nhưng, suốt 1 năm qua, chủ Spa “bặt vô âm tín”, dẫn đến quyền lợi của khách hàng không được đảm bảo và “bảo hành”.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh cũng cho biết, rất nhiều khách hàng của một số Spa trên địa bàn tìm đến để tư vấn, bởi lâm vào tình trạng tương tự như bạn. Có người mua gói dịch vụ tắm trắng hoặc các gói dịch vụ đắt tiền lên đến 50 triệu đồng, đã thanh toán trước hoặc thanh toán trước 50%.
Từ “câu chuyện” của bạn, thiết nghĩ, chủ Spa nêu trên cần “chấn chỉnh” lại thái độ và trách nhiệm của mình đối với khách hàng, chấn chỉnh lại chữ tín, sự rõ ràng, minh bạch trong làm ăn kinh doanh. Có như vậy, hoạt động kinh doanh mới đảm bảo lâu bền, và quan trọng là đừng để phải bị pháp luật dân sự hoặc hình sự xử lý, khi “lún” vào các hành vi vi phạm và khách hàng có khiếu nại, tố cáo.
Quỳnh Anh