Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Ngược lại, những hàng hóa mà Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu, phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu cho lĩnh vực dệt may, da giày, những mặt hàng mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng sẽ gia tăng được khối lượng xuất khẩu vào Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày của Việt Nam phát triển. Đồng thời, môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.

Với Thừa Thiên Huế, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 622 triệu USD; riêng sản phẩm dệt may chiếm 77,5% (482 triệu USD), sản phẩm bằng gỗ chiếm 12,6% (78,5 triệu USD), thủy sản chiếm 4,4% (27,3 triệu USD). Thực tế thời gian qua, từ chỗ chỉ có doanh nghiệp trong nước, nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tham gia đầu tư vào các lĩnh vực trên như Scavi, HBI (dệt may), Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (nuôi trồng, chế biến thuỷ sản)... Điều này cho thấy, khi hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ đem lại cơ hội rất lớn cho các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Cũng trong ngày 5/5, một hoạt động thu hút quan tâm của dư luận là hội thảo khoa học “Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do UBND tỉnh phối hợp với Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức. Việc Thừa Thiên Huế được Ban điều phối phát triển vùng duyên hải miền Trung ủng hộ chọn để xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may của các tỉnh miền Trung và vùng lân cận là một điều đáng mừng. Đây là bước đi tích cực của tỉnh trong việc đón đầu cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mới. Vấn đề đặt ra, để thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có công nghiệp cao, trình độ quản lý tiến tiến, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp cần được triển khai tích cực hơn nữa. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Giang