Sản phẩm gạo đỏ và nếp rằn Hương Phong tham gia trưng bày tại các hội chợ
Là địa phương mới sáp nhập vào địa bàn TP. Huế từ tháng 7/2021, Hương Phong là xã có diện tích đất nông nghiệp khá lớn với hơn 500ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa, nếp và các loại hoa màu. Cùng với việc tận dụng lợi thế về nông nghiệp theo hướng ổn định và bền vững, Hương Phong đang chú trọng xây dựng thương hiệu gạo đỏ Hương Phong (hiện là sản phẩm OCOP cấp tỉnh) và chuẩn bị đăng ký sản phẩm OCOP cho nếp rằn để nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị. Đồng thời, khuyến khích bà con mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh phát triển dịch vụ và du lịch.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hương Phong có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho giống lúa gạo đỏ sinh trưởng và phát triển rất tốt. Với đặc tính thân cao, cây cứng, ít bị đổ, kháng sâu bệnh tốt, lúa gạo đỏ có thể trồng nơi ruộng thấp trũng, bùn nhiều, thậm chí là vùng ruộng đồng thiếu ngọt thừa mặn như ven cửa sông, đầm phá. Nếp rằn cũng rất phù hợp với vùng đất nhiễm mặn nên khi trồng cho năng suất cao. Vì vậy, HTX đã vận động gần 500 bà con xã viên chuyển đổi từ giống lúa truyền thống sang lúa gạo đỏ và nếp rằn.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Thuận Hòa, so với trồng lúa truyền thống thì trồng lúa gạo đỏ và nếp rằn cho giá trị kinh tế cao hơn, song các chi phí vật tư nông nghiệp, công chăm sóc vẫn như nhau. Hiện, gạo đỏ có giá từ 27- 29 ngàn đồng/kg, nếp rằn từ 22- 23 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại gạo thông thường.
Hiện, toàn xã Hương Phong trồng khoảng 20ha lúa gạo đỏ và hơn 100ha nếp rằn, vào vụ hè thu có thể tăng diện tích lên 150ha nếp rằn. “Ưu điểm của lúa gạo đỏ là khi canh tác không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường. Đây được coi là giống lúa sạch cho ra hạt gạo đỏ chất lượng tinh khiết, giàu dinh dưỡng, có hàm lượng sắt cao, chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, nên ngoài chức năng là thực phẩm nó còn được coi là một loại dược liệu quý. Nếp rằn rất dễ trồng và chăm sóc, trong đó tiêu thụ dễ vì nhu cầu sử dụng nếp để chế biến các loại bánh chưng, bánh tét trên địa bàn khá nhiều”, ông Bình chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức cho rằng, hiện diện tích nhiễm chua phèn, mặn ở các vùng ven phá trên địa bàn còn nhiều, địa phương đang nhân rộng mô hình trồng lúa gạo đỏ và nếp rằn, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật để bà con tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng cây lúa, nếp trong các vụ tiếp theo. Cùng với việc liên kết với các doanh nghiệp, tư thương trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, xã đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, các trục đường liên xã, liên thôn và các đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện; đầu tư hệ thống kênh mương phục vụ tốt trên 500ha sản xuất trồng trọt và hơn 200ha nuôi trồng thủy sản.
Hiện nguồn lao động ở Hương Phong khá dồi dào, phần lớn là lao động trẻ, về cơ bản đã qua các lớp đào tạo phổ cập trung học và nghề. Đây là điều kiện thuận lợi cơ bản của địa phương trong việc nâng cao nguồn nhân lực phục vụ công tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Bài, ảnh: Minh Thư