Để không phải bù lỗ do nhiều chi phí cho công tác xử lý chôn lấp rác, HEPCO buộc phải tính toán tăng mức giá xử lý hợp lý

Hiện nay, HEPCO đang thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thông qua hình thức đặt hàng với UBND TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy và huyện Phú Lộc. Ngoài ra, HEPCO hợp đồng thực hiện riêng khâu xử lý rác với một số đơn vị làm công tác thu gom, vận chuyển trên địa bàn.

Căn cứ phương pháp xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được quy định chi tiết tại Thông tư 07/2017 và Thông tư 14/2017 của Bộ Xây dựng, HEPCO đã ban hành đơn giá xử lý CTRSH tại Quyết định số 926 ngày 27/12/2018 (trong đó đã bao gồm địa điểm bãi rác Thủy Phương). Theo đó, HEPCO áp dụng đơn giá tại Quyết định số 926 với mức giá 199 nghìn đồng/tấn để ký hợp đồng xử lý rác cho một số doanh nghiệp (DN) đã thực hiện khâu thu gom, vận chuyển, trong đó có Công ty TNHH Hằng Trung (Phú Vang).

Tuy vậy, đã có DN thắc mắc vì sao HEPCO không áp dụng đơn giá theo Quyết định 2239 ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành bộ đơn giá dịch vụ công ích đô thị với mức giá 58.000 đồng/tấn mà lại thu với mức giá 199.000 đồng/tấn. Trả lời về vấn đề này, căn cứ các tài liệu thu thập được, Công ty Luật TNHH Salus cho rằng, tại thời điểm UBND tỉnh ban hành Quyết định 2239, giá dịch vụ xử lý rác thải chủ yếu căn cứ vào Thông tư 06/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị. Tuy nhiên, kể từ ngày 15/2/2018, Thông tư 06 đã được thay thế bởi Thông tư 14. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã ban hành thêm Thông tư 07 để quy định lại cách tính giá xử lý rác thải sinh hoạt. Vì vậy, sau khi Thông tư 07 ban hành thì các địa phương phải ra quyết định phê duyệt giá dịch vụ xử lý CTRSH trên địa bàn do mình quản lý.

Hay nói cách khác, việc HEPCO áp dụng đơn giá theo Quyết định 926 để ký hợp đồng với Công ty TNHH Hằng Trung là phù hợp với quy định của pháp luật và cũng như phù hợp với hoạt động kinh doanh dịch vụ. Bởi lẽ, theo phân tích của Công ty Luật TNHH Salus, trên thực tế, Quyết định 2239 mới chỉ quy định về chi phí cho công tác chôn lấp rác tại bãi rác, chưa bao gồm các công đoạn khác trong xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, như: xử lý nước rỉ rác, thi công lớp phủ cuối cùng hay còn gọi đóng cửa ô rác và duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông nội bộ, điện, cấp, thoát nước và các công trình phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động chôn lấp tại bãi rác. Trong khi đó, Thông tư 07 còn bổ sung thêm yếu tố chi phí quản lý DN vào cơ cấu giá. Vì vậy, nếu áp dụng công thức tính giá theo quy định của Thông tư 07 thì giá xử lý rác cao hơn quy định tại Thông tư 06 là điều đương nhiên. Ngoài ra, sau gần 10 năm, từ khi Thông tư 06 có hiệu lực thì lạm phát, trượt giá và giá cả đầu vào của các loại nguyên, nhiên vật liệu đã tăng cao gấp nhiều lần, nên giá xử lý rác phải điều chỉnh tăng.

Hiện nay, UBND tỉnh mới chỉ ban hành Quyết định số 94 ngày 15/11/2017 về việc quy định "giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt", mà chưa có quy định về "đơn giá dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt". Lẽ ra sau khi có Thông tư 07, UBND tỉnh phải ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định 2239 nhằm điều chỉnh giá dịch vụ xử lý rác thải thì mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy vậy, theo Công ty Luật TNHH Salus, trong trường hợp UBND tỉnh chưa ra quyết định phê duyệt giá dịch vụ xử lý CTRSH, HEPCO vẫn phải ký kết và thực hiện các hợp đồng xử lý rác, vì đây là DN cung cấp dịch vụ công ích. Nói cách khác, HEPCO vẫn phải tự mình đưa ra mức giá dịch vụ xử lý rác thải để tránh tình trạng phải bù lỗ. Mặt khác, không có quy định pháp luật nào cấm DN cung cấp dịch vụ xử lý rác thải như HEPCO không được quyết định mức giá sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp. Tất nhiên, giá dịch vụ đưa ra phải hợp lý. "Do đó, việc HEPCO tự ban hành đơn giá xử lý rác thải rắn theo quy định tại Thông tư 07 là phù hợp và đúng luật", đại diện Công ty Luật TNHH Salus - Giám đốc, LS. Vũ Văn Tính khẳng định.

Giải thích rõ thêm về việc vì sao HEPCO áp dụng mức giá xử lý rác là 199.000 đồng/tấn, ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng giám đốc HEPCO cho biết: Nếu căn cứ theo Thông tư số 14/2017; Thông tư số 07/2017 của Bộ Xây dựng và văn bản số 1557 ngày 13/8/2018 của Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng và các yếu tố đầu vào của năm 2018 thì mức giá xử lý là hơn 200.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, HEPCO đã tính toán tiết giảm phần lợi nhuận để đưa ra mức giá xử lý như trên và đã áp dụng từ năm 2019 cho đến nay.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG