Sản phẩm rau má Quảng Thọ có chỗ đứng trên thị trường

Hạn chế

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, KTTT, HTX của tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và cơ bản thực hiện tốt mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả HTX. Các HTX thực hiện tốt chuyển đổi, đăng ký lại HTX theo đúng nội dung của Luật HTX năm 2012 theo hướng tăng quy mô, mở rộng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho cán bộ và các thành viên. Tuy nhiên, so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung, trong khu vực nói riêng, kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

Ban điều hành, giám đốc của phần lớn HTX đều cho rằng, sự tồn tại dẫn yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trước hết là do nhận thức của một số ngành và địa phương về KTTT, HTX còn hạn chế, dẫn đến chưa quan tâm đúng mức đến phát triển kinh tế HTX. Nhiều địa phương chưa định hướng rõ hướng đi của HTX, thiếu quan tâm quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cán bộ trẻ có đủ trình độ, năng lực tạo nguồn kế cận cho HTX. Một số địa phương lại can thiệp quá sâu vào nội dung kinh doanh, dịch vụ, nhân sự của HTX đã vi phạm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ của HTX.

Một số cơ chế ban hành chưa thật sự sát với yêu cầu thực tiễn quy định về điều kiện hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ cũng như mức hỗ trợ còn hạn chế, hồ sơ thủ tục rườm rà nên số HTX thụ hưởng chính sách chưa nhiều. Cụ thể tại điều 6 Luật HTX năm 2012 quy định 6 chính sách hỗ trợ, 2 chính sách ưu đãi đối với HTX trong các lĩnh vực kinh tế; riêng đối với HTX trong nông nghiệp còn được hưởng thêm 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác. Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai chính sách chưa toàn diện, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của HTX về mức hưởng lợi chính sách.

Chính sách thu hút cán bộ về công tác lâu dài tại HTX được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của HTX. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách vẫn còn nhiều hạn chế do sức hút của HTX đối với cán bộ trẻ chưa hấp dẫn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Phần lớn do môi trường làm việc chưa năng động, cán bộ trẻ từ các địa phương khác đến rất ít, cán bộ được xây dựng từ nguồn con em thành viên HTX cũng được đặt ra, song hiệu quả chưa cao.

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế về đối tượng, chưa bao quát, chưa có chương trình khung để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong HTX. Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý Nhà nước về KTTT, HTX ở các sở, ngành, cấp huyện còn hạn chế, chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ, kiến thức KTTT, HTX. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng trong HTX rất thấp, chỉ đạt từ 5-10%, còn lại phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc chỉ đào tạo ngắn hạn. Đa phần các HTX thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, triển khai các mô hình HTX kiểu mới...

Cần giải pháp đồng bộ

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - ông Trần Lưu Quốc Doãn nêu rõ, để đẩy mạnh kinh tế HTX phát triển vươn tầm khu vực cũng như nhiều tỉnh, thành, trước hết Liên minh HTX cùng với các địa phương, ban, ngành vận động, thu hút các doanh nghiệp (DN) lớn làm đầu tàu tham gia liên kết với HTX để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Thực tế trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới, theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả như HTX Thủy Thanh 2, HTX An Lỗ, HTX Quảng Thọ 2, HTX Thủy Dương, HTX Mây tre đan Bao La... Đây là các mô hình HTX nông nghiệp cần nghiên cứu, học tập, nhân rộng tại các địa phương trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để mô hình kinh tế HTX kiểu mới mang lại hiệu quả, ngoài gỡ khó về vốn cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Nhà nước và HTX, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên, người sáng lập khởi nghiệp các HTX nhằm trang bị kiến thức quản trị kinh doanh đảm bảo điều hành các HTX hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng các dự án, kế hoạch ưu tiên phát triển HTX có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Ông Trần Lưu Quốc Doãn cho rằng, đối với các HTX có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả cần nghiên cứu, tư vấn mô hình phù hợp, kiên quyết chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác. Các sở, ngành liên quan và các địa phương cần quan tâm trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề nội bộ, tạo điều kiện cho HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Mô hình HTX kiểu mới được xây dựng phải gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có sức lan tỏa và mang tính bền vững, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân; từ đó tạo điều kiện an toàn thực phẩm và đảm bảo tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, TP. Huế mỗi năm xây dựng ít nhất 1-2 mô hình HTX kiểu mới. 

Mới đây, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh đã thành lập với quy mô nguồn vốn phù hợp nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao. Đồng thời, cần tranh thủ các nguồn lực tài chính từ hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở Trung ương, các tổ chức tín dụng và các tổ chức phi chính phủ, cũng như tranh thủ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ hệ thống ngân hàng thương mại… để hỗ trợ HTX đầu tư phát triển.

Bài, ảnh: Triều Chính