Số lượng lớn đầu lọc thuốc lá tại một điểm dừng xe buýt ở thành phố Bremerhaven, Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong đó, WHO cho rằng, ngành công nghiệp này gây ra nạn phá rừng trên diện rộng, làm chuyển mục đích sử dụng của tài nguyên đất và nước khỏi sản xuất lương thực ở các nước nghèo, thải ra chất thải nhựa và hóa chất, cũng như phát thải hàng triệu tấn carbon dioxide.

Cụ thể, báo cáo "Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta" được WHO công bố ngày 31/5 đã xem xét các tác động của toàn bộ quá trình, từ việc trồng cho đến việc sản xuất các sản phẩm thuốc lá, tiêu thụ và chất thải.

Trong khi tác động của thuốc lá đối với sức khỏe đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ, với việc hút thuốc lá vẫn gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, báo cáo mới được công bố của WHO tập trung vào những hậu quả môi trường rộng lớn hơn.

Những phát hiện này là "khá nghiêm trọng", ông Ruediger Krech, Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO nói với Hãng Thông tấn AFP; đồng thời nhận định đây này là "một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất mà chúng ta biết đến".

Đáng chú ý, báo cáo của WHO chỉ ra rằng, ngành công nghiệp này chịu trách nhiệm cho việc mất đi khoảng 600 triệu cây xanh mỗi năm, trong khi việc trồng và sản xuất thuốc lá sử dụng 200.000 ha đất và 22 tỷ tấn nước hàng năm; đồng thời cũng thải ra khoảng 84 triệu tấn carbon dioxide.

4,5 nghìn tỷ đầu lọc thuốc lá

Bên cạnh đó, "các sản phẩm thuốc lá là mặt hàng xả ra nhiều rác thải nhất trên hành tinh, chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, có thể xâm nhập vào môi trường của chúng ta khi bị thải ra", ông Ruediger Krech nói thêm. Cứ mỗi một đầu lọc thuốc lá trong số ước tính 4,5 nghìn tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra các đại dương, sông ngòi, vỉa hè và bãi biển hàng năm có thể gây ô nhiễm cho 100 lít nước.

Ngoài ra, có tới 1/4 tổng số nông dân trồng thuốc lá mắc phải chứng "bệnh thuốc lá xanh", hoặc ngộ độc do nicotin mà họ hấp thụ qua da. Những người nông dân xử lý lá thuốc cả ngày sẽ tiêu thụ lượng nicotine tương đương với 50 điếu thuốc mỗi ngày, ông Ruediger Krech cho hay.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với nhiều trẻ em tham gia trồng thuốc lá. Giám đốc Nâng cao sức khỏe của WHO nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng một đứa trẻ 12 tuổi tiếp xúc với 50 điếu thuốc mỗi ngày".

Cũng theo báo cáo nói trên, hầu hết thuốc lá được trồng ở những quốc gia nghèo hơn, nơi tài nguyên nước và đất canh tác thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt, và những nơi mà những loại cây này thường được trồng với chi phí sản xuất các loại lương thực quan trọng. Việc trồng thuốc lá cũng chiếm khoảng 5% nạn phá rừng toàn cầu, và làm suy yếu nguồn nước quý giá.

Ô nhiễm nhựa

Trong khi đó, quá trình chế biến và vận chuyển thuốc lá chiếm một tỷ lệ đáng kể trong lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, tương đương với 1/5 lượng khí thải carbon của ngành hàng không toàn cầu.

WHO cảnh báo, các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần đáng kể vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa trên toàn cầu. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và tạo nên dạng ô nhiễm nhựa cao thứ 2 trên toàn thế giới.

Qua đó, cơ quan y tế của Liên Hiệp quốc (LHQ) lên tiếng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới xem đầu lọc thuốc lá là loại nhựa dùng một lần, và cân nhắc việc cấm sử dụng chúng.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)