Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng”. Ảnh: TTXVN

1. Trẻ hóa và trọng dụng đội ngũ cán bộ vừa là chủ trương vừa là mục tiêu, giải pháp cơ bản về xây dựng Đảng, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đất nước. Hiện nay, ngày càng có nhiều lãnh đạo trẻ được đề bạt từ Trung ương đến địa phương và đảm đương các chức vụ cao trên nhiều lĩnh vực. Những cán bộ tuổi đời so với lớp cũ được xem là trẻ nhưng đã được quy hoạch, bổ nhiệm và đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ ở các vị trí chủ chốt. Trong đó đã có không ít cán bộ thực sự có đạo đức, tài năng, đảm đương các lĩnh vực khó khăn, phức tạp và đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng.

Trong một vài nhiệm kỳ gần đây, nhiều cán bộ trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và quản lý doanh nghiệp.

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 13 có 27 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thế hệ 7x, chiếm 43% số lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Đó là những nhân tố phát huy được thế mạnh của tuổi trẻ, có đủ trình độ khoa học công nghệ, có tầm nhìn xa, hiểu biết và xử lý nhạy bén các mối quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan chúng ta không khỏi lo lắng về một bộ phận cán bộ trẻ nhưng không giữ được mình, dẫn đến có những sai phạm phải xử lý kỷ luật.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm là bệnh hiếu thắng, tự mãn với công danh, hãnh tiến danh vọng quá mức, thiếu tôn trọng tổ chức, kỷ luật. Trong đó có những người được xem là “hạt giống đỏ”, trưởng thành trong gia đình có truyền thống nhưng không giữ được bản lĩnh, sa ngã vì cám dỗ vật chất. Có người tìm mọi cách để nhanh chóng đạt được tham vọng cá nhân, đánh bóng tên tuổi, tỏ ra hơn người, phô trương chức quyền quá sớm. Dân gian gọi đó là “làm màu” hay “ngựa non háu đá”. Trước đó chưa lâu họ còn được đánh giá là cán bộ tốt, có năng lực nhưng sau khi tổ chức Đảng công bố kết luận kiểm tra mới lộ ra nhiều sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín bản thân và tổ chức - nơi họ đang giữ cương vị lãnh đạo.

Trong những nhiệm kỳ trước, có cán bộ mới nhậm chức chưa lâu đã có những động thái làm nức lòng cán bộ, Nhân dân địa phương. Trên diễn đàn đã phát ngôn mạnh mẽ từ chối tham nhũng, thể hiện lời nói đi đôi với việc làm, xông xáo trong chỉ đạo, tỏ rõ tâm huyết vì tập thể, vì sự phát triển của địa phương. Nhưng tiếc thay, được bổ nhiệm chưa bao lâu thì bị kiểm tra và kết luận về những sai phạm, trong đó có nhiều việc trái ngược hoàn toàn với những phát ngôn ban đầu. Sự “ngã ngựa” của cán bộ đó đã làm cho cán bộ, đảng viên cảm thấy đáng tiếc, Nhân dân nghi ngờ đặt câu hỏi về công tác quy hoạch, kiểm tra, giám sát cán bộ.

Mới đây, Bí thư Huyện ủy Cô Tô (Quảng Ninh) bị kỷ luật vì sai phạm liên quan đạo đức, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Không những vậy,  khi Ủy ban Kiểm tra vào cuộc mới phát hiện ra hàng loạt vấn đề tiêu cực, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, áp đặt quyền lực cá nhân... Dù mới được bầu vào nhiệm kỳ mới, nhưng bị khai trừ ra khỏi Đảng cho thấy mức độ nghiêm trọng của người đứng đầu địa phương này.

2. Đội ngũ lãnh đạo trẻ là lực lượng quan trọng tạo nên sức mạnh mới của Đảng về trí tuệ, đạo đức, năng lực, bản lĩnh chính trị.

Để thực sự là nhân tố có đủ điều kiện lãnh đạo đất nước đòi hỏi các tổ chức Đảng phải có tầm nhìn xa trong quy hoạch, bồi dưỡng, bổ sung thêm nhiều cán bộ trẻ, cán bộ cấp chiến lược. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng”. Cần có chính sách khuyến khích cán bộ thể hiện bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm”, vượt qua khó khăn, mạnh dạn đột phá vào những khâu yếu, việc khó, bố trí đến những nơi cần rèn luyện, thử thách. Không cho phép đề bạt cán bộ không đúng tiêu chuẩn, cán bộ “chín ép” để rồi nhanh bị “chết yểu” như đã xảy ra thời gian qua. Công tác tổ chức cán bộ cần có “con mắt tinh tường” trên nguyên tắc khách quan, minh bạch, chọn đúng người, bố trí đúng năng lực vì lợi ích chung.

Những cán bộ đã có dấu hiệu tiêu cực “thăng tiến thần tốc”, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, vun vén cá nhân... phải sớm xem xét đưa ra khỏi đội ngũ. Những biểu hiện công thần, hiếu thắng, “ngựa non háu đá”, năng lực chưa ngang tầm với chức vụ cần được chấn chỉnh ngay từ đầu, không để “tự diễn biến” dẫn đến suy thoái, biến chất. Những người xem chức vụ, danh vọng như nấc thang để leo cao bằng mọi giá, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện dễ sai phạm, sa ngã phải được kiểm tra, uốn nắn thường xuyên, kịp thời. Bài học từ những cán bộ “ngã ngựa” trong thời gian qua là bài học đắt giá cho mỗi cán bộ lãnh đạo tự soi, tự sửa, tránh xa cám dỗ đời thường. Người cán bộ được chọn bổ nhiệm vào vị trí “cầm cờ” phải tạo ra luồng gió mới cho cơ quan, địa phương, ngược lại khi bị choáng ngợp bởi danh vọng, thiếu bản lĩnh cần tự khắc chế bản thân, tránh bị vấp ngã đáng tiếc. Mỗi người khi đã mang chức danh lãnh đạo cần nghiêm khắc với chính mình, biết giữ mình, hết lòng hết sức vì tập thể là tiêu chí quan trọng nhất cho con đường phấn đấu tiếp tục vươn lên.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH