Trong 5 tháng (từ cuối năm 2014 và đầu năm 2015) gần 35.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã bị xử lý. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết về kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, diễn ra sáng 8/5, tại Hà Nội.
Từ ngày 15/12/2014 tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý gần 35.400 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
Người điều khiển phương tiện mô tô vi phạm chiếm trên 93%, xử phạt, nộp kho bạc Nhà nước hơn 110 tỷ đồng. Những địa phương có kết quả xử lý cao nhất về vi phạm nồng độ cồn là Tây Ninh, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Địa phương xử lý ít nhất là Hà Nam (với 12 trường hợp). Nhiều tỉnh, thành phố đã huy động các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự… tham gia phối hợp trong công tác xử lý chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia tham gia giao thông cũng gặp những khó khăn nhất định. Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tuy đã được trang bị nhưng vẫn còn thiếu. Một số địa phương, đơn vị chưa tập trung thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia còn xảy ra như tai nạn Quốc lộ 25 tỉnh Gia Lai (ngày 22/2/2015) hậu quả 3 người chết nguyên nhân do điều khiển xe mô tô sử dụng rượu, bia đi không đúng phần đường. Trong tháng 3/2015, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra cao, chiếm gần 6,9%.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có những kế hoạch mới trong giai đoạn năm 2015 – 2016.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói: “Chúng tôi sẽ xây dựng một kế hoạch mới và những bài học của ngày hôm nay, những điều chưa làm được sẽ được rút kinh nghiệm như vai trò của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội chưa phát huy một các có hiệu quả cần được đưa vào. Ví dụ, chúng ta cần làm đậm hơn vai trò của ngành y tế, của các tổ chức xã hội, trong công tác truyền thông. Chúng ta cần phải nhấn mạnh những cách tiếp cận khác nhau, sử dụng mạng xã hội nhiều hơn”.