Là Chi hội trưởng, ông Toan tích cực vận động thôn Thanh Hà và dòng họ khuyến học Nguyễn Duy đăng ký thực hiện thí điểm mô hình “Công dân học tập” năm 2021. Đã có 21 người đăng ký và đã có 85,71% trong số đó được công nhận “Công dân học tập”. Cũng trong năm 2021, thôn Thanh Hà có 224 gia đình, chiếm 87,5 % đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 5 dòng họ được công nhận "Dòng họ học tập", đạt  83,3%. Trong 10 năm qua, thôn có thêm 2 tiến sĩ, 12 thạc sĩ và hơn 100 tốt nghiệp đại học, góp phần cùng cả xã đạt phổ cập tiểu học mức 3, phổ cập trung học cơ sở mức 2 và xây dựng xã nông thôn mới.

Trong vai trò Chi hội trưởng, năm 2021, ông Toan cùng tập thể chi hội vận động được 46 triệu đồng và 6 ban khuyến học dòng họ vận động được 48 triệu đồng để tổ chức khen thưởng và trao học bổng cho 104 cháu. Tết Nhâm Dần vừa qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, ông vẫn cùng BCH Chi hội đến tận từng gia đình các cháu để thăm viếng và trao thưởng, học bổng.

Ông Phan Đình Toan là một tấm gương tiêu biểu, có bề dày tham gia công tác khuyến học, rất mực tâm huyết với phong trào, gương mẫu trong việc tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Năm 2021, ông Toan đạt danh hiệu “Công dân học tập xuất sắc” và được vinh danh 20 năm đóng góp cho phong trào văn hóa toàn tỉnh. Đặc biệt, ông được UBND tỉnh, UBND huyện khen thưởng xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Gia đình ông Phan Đình Toan đạt danh hiệu “Gia đình học tập” 6 năm liên tục, đạt “Gia đình văn hóa” 20 năm từ năm 2001 cho đến 2021. Các thành viên trong gia đình gồm 10 người thì có 7 người có bằng đại học và 3 có bằng trung cấp. Tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ quan, địa phương nơi ở và đóng góp tích cực xây dựng quỹ khuyến học.

Ông Toan chia sẻ: “Để làm tốt khuyến học là phải biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và phối hợp với các đoàn thể để xây dựng mô hình "Công dân học tập", phát triển sự nghiệp khuyến học. Kết hợp cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với thực hiện các mô hình học tập tại địa phương. Không ngừng khơi dậy tình làng nghĩa xóm, phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học của dân làng để vận động các nguồn lực cho hoạt động khuyến học, khuyến tài và tương thân tương ái”.

Chỉ được đào tạo trung cấp quản lý văn hóa quần chúng, nhưng ông Phan Đình Toan có được năng lực toàn diện về kỹ thuật nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng sống, tin học... tất cả đi từ sự tự học. Chính nhờ kiến thức và kỹ năng đó, ông đã cùng Ban chấp hành Chi hội và Ban điều hành thôn tổ chức triển khai các hoạt động để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng cộng đồng học tập thôn Thanh Hà vững mạnh.

An Nhiên