Trao tặng con giống cho người dân A Lưới
Trở lại xã Lâm Đớt, thăm gia đình ông Quỳnh Ba, chúng tôi phấn khởi khi nghe đàn gà giống được tặng năm ngoái đã đem lại thu nhập cho gia đình. Từ chỗ được tặng con giống sau khó khăn do các đợt mưa bão năm 2020, gia đình tập trung chăn nuôi, phát triển đàn để bán gà thịt, góp thêm nguồn thu trang trải cuộc sống. Ông Quỳnh Ba bảo, cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng khi đã được hỗ trợ, phải cố gắng để nay mai thoát được nghèo khó.
Chuyện thoát nghèo ở A Lưới được cả huyện, cả tỉnh nhà quan tâm và lãnh đạo địa phương hết sức trăn trở. Theo kết quả rà soát tỷ lệ hộ nghèo đầu giai đoạn 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn huyện là 7.022 hộ, chiếm 48,98% và có 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%.
Ông Pi Loong Mái, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện A Lưới cho biết, để thoát nghèo bền vững, vấn đề thu nhập rất quan trọng. Nhưng để có được thu nhập, phải tính đến chuyện tạo sinh kế cho người dân. UBMTTQ Việt Nam huyện A Lưới cùng các ban, ngành đang nỗ lực tạo công ăn việc làm, mô hình sản xuất cho người dân.
Một trong những giải pháp quan trọng là kết nối các nguồn lực để hỗ trợ cây, con giống, gắn với đặc trưng nghề nghiệp chủ yếu của người dân vùng cao A Lưới là nông nghiệp, nhất là cây, con chủ lực phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc điểm của địa phương. Năm 2021, từ nguồn hỗ trợ của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, có 790 hộ của 10 xã được hỗ trợ gà giống và nguồn thức ăn ban đầu; 4 xã với 196 hộ được hỗ trợ lợn giống và nguồn thức ăn ban đầu. Bên cạnh đó, có 396 hộ của 4 xã được hỗ trợ giống cây chuối ba lùn.
“Nguồn hỗ trợ trên đã giúp 1.382 hộ trên toàn huyện với gần 3,2 tỷ đồng. Mới đây, chúng tôi còn phối hợp Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam hỗ trợ sinh kế cho 5 hộ gia đình khó khăn của xã A Roàng (mỗi hộ 6 triệu đồng). Trong đó, có 2 hộ nhận giống cây keo hom (mỗi hộ nhận được 4.700 cây trồng được gần 3ha); 2 hộ nhận giống cây bưởi da xanh (mỗi hộ 120 cây) và 1 hộ nhận được 1 cặp giống dê”, đại diện UBMTTQ Việt Nam huyện chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, dù có những khó khăn do đặc thù của địa phương nhưng huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân 7,47%/năm; cố gắng đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn huyện còn dưới 20%. Huyện đang huy động tổng lực với sự tham gia của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp, tạo sinh kế cho người dân.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ban, ngành thực hiện tốt chính sách trợ giúp 9 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, giải quyết trợ cấp, hỗ trợ việc làm. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập trung giải quyết nhanh, kịp thời vốn vay cho hộ nghèo, nhất là hộ đăng ký thoát nghèo hàng năm; triển khai trên 18 xã, thị trấn, đảm bảo hộ nghèo có nhu cầu vay để phát triển sản xuất đều được đáp ứng.
Các ban, ngành, địa phương tại A Lưới cũng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Trong đó, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư bằng cách tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với điều kiện cụ thể theo nhu cầu của cộng đồng, trong đó chú trọng đến các mô hình cho thấy hiệu quả như du lịch…
Ông Hồ Văn Rêm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện A Lưới cho biết, địa phương cũng đang nỗ lực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Vừa qua, sau khi tình hình dịch có chiều hướng tích cực, huyện đã hoàn thành thủ tục để đưa 4 trường hợp đi Nhật Bản, Hàn Quốc; trong năm, sẽ nỗ lực để đưa khoảng 50 người dân địa phương đi xuất khẩu lao động.
Bài, ảnh: Hữu Phúc