Khởi công từ tháng 9/2018, dự án (DA) đường Phú Mỹ - Thuận An có chiều dài gần 4,2km, nền đường rộng 36m, mặt đường 21m; tạo tuyến kết nối đưa trung tâm TP. Huế gần hơn về vùng biển, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. DA được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, với kinh phí 345 tỷ đồng. Dự kiến, DA sẽ hoàn thành sau 2 năm triển khai nhưng rồi mốc này được gia hạn về đích cuối năm 2022, nhưng đến thời điểm hiện tại mới đạt hơn 50% khối lượng công việc. Khảo sát thực tế tại công trường DA này và diễn biến thời tiết bất thường hiện nay ở Huế thì đường Phú Mỹ - Thuận An muốn về đích đúng hẹn rất khó.

Không chỉ DA đường Phú Mỹ - Thuận An, nhiều năm qua, phần lớn các DA đầu tư công trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ. Đơn cử như DA xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí 400 tỷ đồng; DA đường chợ Mai - Tân Mỹ; DA cầu bắc qua sông Lợi Nông (TP. Huế)...

Có nhiều nguyên nhân khi nói về DA chậm tiến độ, trước hết do thời tiết, dịch bệnh; trong đó tình trạng dễ thấy rõ nhất là các DA đầu tư công còn gặp khó về khâu giải phóng mặt bằng; sự phối hợp thiếu đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chuyên ngành trong việc thẩm định hồ sơ đầu tư; sự thiếu quyết liệt của các chủ đầu tư; năng lực và khâu tổ chức thi công thiếu khoa học của các nhà thầu, đơn vị thi công.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2022 giao kế hoạch vốn cho 45 DA khởi công mới với số vốn 356,511 tỷ đồng. Đến nay, khoảng 10 DA đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hơn 112,444 tỷ đồng, còn lại nhiều DA chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn. Lãnh đạo Sở KH&ĐT cho rằng, nguồn vốn đầu tư công sẽ phát huy hiệu quả thực chất khi các công trình, DA sử dụng vốn hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc các DA bị chậm tiến độ không những dẫn đến tình trạng đội vốn, mà còn giảm hiệu quả của nguồn vốn do chậm đưa vào khai thác.

Nhiều lần chúng tôi về công tác tại các địa phương, khi đề cập DA này, công trình nọ sao triển khai chậm, hầu hết lãnh đạo, người có chức năng quản lý cho rằng thiếu vốn. Thực tế là nguồn vốn không thiếu, nhưng việc giải ngân còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề Quốc hội hiện nay đang bàn "Có tiền mà không tiêu được", vì sao?

Theo chuyên gia kinh tế ở Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội địa phương phát triển dựa vào 2 nguồn chính là đầu tư công và đầu tư xã hội. Nếu đưa được nguồn lực đầu tư công, thực hiện giải ngân tốt đó là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Yếu tố thứ 2 chính là hỗ trợ tốt cho việc giải ngân các DA đầu tư của doanh nghiệp để khai thác tốt nguồn lực đầu tư xã hội.

Trong 2 nguồn lực đầu tư này, đầu tư công dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng lại đóng vai trò là nguồn “vốn mồi” để thu hút vốn xã hội, dẫn dắt, tạo động lực phát triển. Để thực hiện tốt việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, theo vị này, năng lực bộ máy lãnh đạo, người đứng đầu để vận hành quá trình giải ngân nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Việc đánh giá năng lực hoạt động trong việc giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Quá trình triển khai, người đứng đầu phải là đầu tàu, có trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phối hợp giám sát giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm, người đứng đầu đơn vị, các địa phương phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên; tránh tình trạng kéo dài thời gian thực hiện và “đá quả bóng” trách nhiệm.

SONG MINH