ĐBQH Phạm Trường Sơn nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Liên quan đến dự án luật này, tại buổi thảo luận tại tổ, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân Chủng Phòng không, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/22/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực VTĐ, đánh dấu một mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, sau hơn 11 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và khắc phục những khó khăn, bất cập, phát sinh trong qua trình thi hành pháp luật về tần số VTĐ hiện nay.

Qua nghiên cứu, ĐBQH Phạm Trường Sơn nhận thấy, dự thảo luật lần này được bổ sung 2 điều, sửa đổi 14 điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo luật và phù hợp với các luật có liên quan.

Theo ĐBQH Phạm Trường Sơn, để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên tần số, việc quy định giới hạn trong quy hoạch băng tần là cần thiết, song cần cân nhắc và tìm một khái niệm khác thay thế khái niệm “quy hoạch” sẽ hợp lý hơn. Ông Sơn cho rằng, bản chất quy hoạch tần số, băng tần chỉ là sự phân chia, phân bổ tần số VTĐ, để cung ứng cho đối tượng có nhu cầu sử dụng phù hợp, tương thích với trang thiết bị, hạ tầng dùng vào các mục đích cụ thể khác nhau; đồng thời, trong quy hoạch có đề cập đến quy định việc phân bổ các khối băng tần nhưng chưa nhận thấy nội dung này trong dự thảo luật.

“Quy định phân bổ các khối băng tần phải theo nguyên tắc nào và ai có quyền thực hiện phân bổ thì cũng cần thể hiện trong dự thảo luật”, ĐBQH Phạm Trường Sơn nhấn mạnh.

Việc cấp phép sử dụng băng tần cho mạng viễn thông mặt đất, ĐBQH Phạm Trường Sơn đề nghị cần quy định về thời hạn triển khai trong cam kết cũng như thu hồi giấy phép trong xử lý vi phạm cam kết, để tránh tình trạng tích tụ băng tần, vừa lãng phí tài nguyên, vừa gây ra sự độc quyền của các nhà mạng lớn. Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc yêu cầu, điều kiện để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14 và Điều 33 của Hiến pháp năm 2013, cũng như quy định của Luật Cạnh tranh về quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về vấn đề sử dụng tần số VTĐ cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội, ông Sơn nêu ý kiến: “Cần hoàn chỉnh theo hướng giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số VTĐ, phân bổ, phục vụ mục đích quốc phòng – an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế xã hội  theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, không làm lộ lọt thông tin”.

Đối với các vấn đề đào tạo, cấp chứng chỉ VTĐ, ông Phạm Trường Sơn cho rằng chưa thể hiện trong luật hiện hành. Do đó, cần bổ sung nội dung này. “Trong dự thảo luật, vấn đề này được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 32 là giao Chính phủ quy định để thực hiện xã hội hóa trong đào tạo, cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực quốc phòng – an ninh thì việc đào tạo, cấp chứng chỉ cần giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm. Tôi cũng đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung của dự án luật phù hợp với quy định của các luật khác có liên quan để đảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Thọ Trí