Giữa năm 2016, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia” cùng với nhiều đô thị khác trên thế giới. Đây là sự động viên cho những nỗ lực của thành phố trong việc tôn tạo, gìn giữ những gì vốn có. Từ một "Thành phố văn hóa của ASEAN” được công nhận vào giữa năm 2014, sau một thời gian ngắn Huế tiếp tục được bình chọn là “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN". Hiện nay, Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh" theo tinh thần Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị để hướng đến thành phố văn minh du lịch an toàn, “đáng sống”.
Việc thành phố Huế được vinh danh “Thành phố xanh quốc gia” không chỉ dừng ở mặt danh hiệu, nó tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, như: quảng bá hình ảnh thành phố đến bạn bè trong nước và quốc tế; nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan trong quá trình phát triển bền vững; lợi thế trong việc thu hút tài trợ từ các dự án liên quan đến môi trường, năng lượng xanh, biến đổi khí hậu…
Với tâm thế của mình, từ năm 2016 đến nay, Thừa Thiên Huế đã chú trọng vào xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả. Hệ thống chiếu sáng công cộng tổ chức theo hướng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường. Không dừng ở đó, để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng một đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều đề án, phát động nhiều hoạt động, phong trào để Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Nổi bật từ đề án "Ngày Chủ nhật xanh" đã đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng trong toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường. Thành phố Huế cũng đã triển khai hàng loạt mô hình, như “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an”, “60 phút sạch nhà đẹp ngõ”... nhằm gắn kết người dân cùng hành động, giữ môi trường sống xanh sạch đẹp từng ngày và hàng ngày. Sự gắn kết đó đã tạo ra nếp sống xanh giúp duy trì, bảo vệ môi trường sinh thái cho TP. Huế.
Những tác động tích cực trên, tạo chuyển biến rõ nét và đáng ghi nhận nhất chính là ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội đã nâng lên. Các hệ thống siêu thị, chợ tại Huế đã hưởng ứng phong trào "nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần", sử dụng các loại bao bì hữu cơ từ lá, túi giấy dùng để đóng, gói hàng hóa thay túi ni-lông. Hầu hết các cơ quan, công sở, chai thủy tinh đựng nước trên bàn ở phòng họp, phòng làm việc đã thay cho chai nhựa. Từ mỗi gia đình đến cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng đều đã thay đổi với hình ảnh là một môi trường xanh - sạch - đẹp hơn… Huế đã trở thành thành phố tiên phong và truyền cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước về phát triển xanh và bền vững.
"Xanh" cho đô thị di sản
Có ý kiến cho rằng, với danh hiệu "Thành phố xanh quốc gia", hiện nay Thừa Thiên Huế đang đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa với mục tiêu phấn đấu đưa toàn tỉnh trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị sẽ dẫn đến những đối kháng nhất định theo quy luật phát triển của đô thị, nhất là với Huế vốn đô thị xanh, dày văn hóa lịch sử.
Dõi theo thời gian gần đây đã thấy Thừa Thiên Huế xác định một định hướng phát triển sáng tạo mới, một phương án quy hoạch xây dựng đô thị đi kèm với một chiến lược bảo tồn và phát triển phù hợp. Trong đó, ưu tiên bảo tồn và cải tạo cảnh quan môi trường vùng lõi di sản là thành phố Huế với quy chế quản lý đặc biệt để bảo vệ di sản và môi trường. Tiếp đến là bảo tồn các vùng cảnh quan 2 bên bờ sông Hương, các đồi Vọng Cảnh, Thiên An… Tuyệt đối không cho phép xây dựng những công trình phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Lãnh đạo địa phương đã mạnh dạn nói “không” với xu hướng xây dựng xen cấy, tăng độ cao và phá vỡ không gian cảnh quan bên bờ sông Hương.
Một điều tích cực khi TP. Huế phát triển mở rộng không gian đô thị ra ven đô thì việc ứng xử hài hòa với các hệ sinh thái, như sông, đầm, phá… là điều quan trọng để tăng màu xanh cho Huế.
Một kiến trúc sư ở TP. Huế chia sẻ, một con sông, ao hồ sinh thái, một thảm xanh tự nhiên mỗi khi đã nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng thì sẽ không bao giờ có lại được...
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế nhấn mạnh, Huế sắp đến sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản Cố đô. Đặc biệt là sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới. Tất cả những vấn đề ấy thành phố Huế luôn cân nhắc kỹ để hướng đến đô thị "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh"...
Bài, ảnh: Song Minh