Dù giá xăng dầu tăng nhưng người tiêu dùng vẫn phải sử dụng (ảnh minh họa). Ảnh: H. D
Vì xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế nên về mặt quản lý Nhà nước, Nhà nước có công cụ bình ổn giá. Bình ổn bằng cách nào? Hỗ trợ giá lấy từ nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nghĩa là trong điều kiện bình thường mỗi lít xăng dầu bán ra phải cộng thêm bao nhiêu đó cho nguồn quỹ này. Khi giá xăng dầu tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, Nhà nước can thiệp bằng cách lấy từ nguồn này bù vào để làm cho giá giảm xuống. Bộ Công thương giải thích, vừa được truyền thông loan tin như sau: “Liên bộ Công thương - Tài chính đã liên tục chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn đà tăng giá thế giới” (theo Tuổi trẻ online).
Cơ chế bình ổn giá là nhiệm vụ của quản lý Nhà nước, không có gì đáng bàn. Điều hành tốt thì vừa hỗ trợ nền kinh tế, vừa đảm bảo quỹ bình ổn giá hoạt động hiệu quả. Nhưng nếu so sánh với một số nước để bảo rằng, giá xăng dầu của chúng ta thấp hơn một số nước trong khu vực, như một tờ báo dẫn nguồn thì có gì đó không ổn, ví dụ so sánh giữa Việt Nam chúng ta với Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Cách so sánh này sẽ có thể đưa đến một cách nhìn phiến diện cho cả Bộ Công thương và người tiếp nhận thông tin. Bởi vì ai cũng biết nền kinh tế của chúng ta khác xa với các nước nói trên. Thu nhập của người dân chúng ta cũng khác so với họ, mà cái khác ở đây là thu nhập bình quân đầu người của chúng ta còn thấp rất xa so với họ; hạ tầng cơ sở của chúng ta cũng kém hơn. Giả sử mỗi người đều sử dụng 10 lít xăng, dầu một tháng là như nhau nhưng thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/năm sẽ cho ra một tỷ lệ phần trăm cao hơn so với 7.000 – 8.000 USD, hoặc cao hơn nữa. Tức là người thu nhập thấp hơn sẽ gặp khó khăn hơn đối với người thu nhập cao hơn khi giá xăng dầu cao. Đó là chưa nói đến hệ thống hạ tầng thấp kém. Chi phí một tấn hàng hóa trên hệ thống hạ tầng không thuận lợi sẽ cao hơn đối với những nước có hạ tầng thuận lợi. Có những số liệu thống kê cho biết, chi phí logistic của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Đã vậy, hàng hóa còn có thể gánh thêm những chi phí không tên không tuổi khác, ví dụ chi phí không chính thức nữa…
Một thông tin khác, theo Bộ Công thương, trong quý 2, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước khoảng 5,2 triệu m3, nguồn cung dự kiến có thể lên đến 6,7 triệu m3. Nguồn thông tin này cho thấy, nguồn xăng dầu dự trữ (tồn kho) có thể lên đến 1,5 triệu m3. Dự trữ xăng dầu là điều bắt buộc đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Nhưng vấn đề là tỷ lệ dự trữ như thế nào để vừa vận hành nền kinh tế an toàn, ổn định nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thống kê, công bố thông tin là việc của nhà quản lý. Việc của người dân, doanh nghiệp quan tâm và cảm nhận rõ nhất là giá xăng dầu tăng đã làm cho ví tiền của họ nhỏ lại. Không ít người, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ cảm nhận rõ rệt về sự ảnh hưởng bất lợi khi giá xăng dầu tăng.
Nguyên Lê