Cán bộ Trường đại học Khoa học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh

Không làm mất cơ hội

Nguyễn Thanh Tùng, học sinh một trường THPT tại TP. Huế chia sẻ: “Nếu như những năm trước, cơ hội của thí sinh rộng mở, thì nay bị giới hạn hơn. Bên cạnh đó, các thí sinh năm ngoái đăng ký xét tuyển bằng học bạ xong có thể biết kết quả sớm, nhưng năm nay phải đợi lọc ảo xong mới biết. Em nghĩ, nếu biết sớm thì sẽ yên tâm hơn”.

Trái với lo lắng của thí sinh, các chuyên gia giáo dục cho rằng, lọc ảo chung là giải pháp xây dựng một hệ thống xử lý nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến chung. Giải pháp kỹ thuật này hướng tới sự đảm bảo công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội.

TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế khẳng định, phương án lọc ảo chung chắc chắn sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) áp dụng, dự kiến từ 20/8. Tuy có những thay đổi so với năm ngoái, nhưng lọc ảo chung không làm mất cơ hội trúng tuyển của thí sinh.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), qua phân tích số liệu vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng nhập học ngày càng giảm. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức khác (không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển) yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn, hoặc phải nộp tiền để “giữ chỗ”.

Do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nên tỷ lệ thí sinh ảo rất cao. Hệ quả là thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác. Bên cạnh đó, các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học, dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu, chất lượng tuyển sinh không hoàn toàn đảm bảo do không xét tuyển cùng một thời điểm. Điều đó đồng nghĩa, lọc ảo chung nhằm hướng đến công bằng với thí sinh, minh bạch với xã hội.

Để chuẩn bị với phương án lọc ảo chung, hiện nay các cơ sở giáo dục ĐH tại Huế cũng chủ động giải pháp. Theo TS. Nguyễn Công Hào, ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì các trường cũng tổ chức xét tuyển và công bố sớm kết quả sơ tuyển nhằm đảm bảo dữ liệu đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị đào tạo cũng sẵn sàng đội ngũ, hệ thống nhập dữ liệu đúng theo quy trình và tham gia công tác lọc ảo chung, kết nối liên thông tốt với Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục phổ thông.

TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học cho biết, năm nay đội ngũ có kinh nghiệm lọc ảo sẽ tiếp tục tham gia nhiệm vụ này và đang chờ những hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT. Trong trường hợp hệ thống, quy trình có những thay đổi, sẽ tổ chức tập huấn để các cán bộ làm tốt công tác này.

Suy nghĩ kỹ để tránh “trượt oan”

Lọc ảo chung để xóa bỏ hiện tượng “giữ chỗ”, hướng đến tính công bằng chung. Khác với trước đây, hiện nay thí sinh chỉ trúng tuyển một phương thức và một nguyện vọng duy nhất. Điều này cần thí sinh cân nhắc, suy nghĩ rất kỹ khi đưa ra quyết định, tránh trượt oan.

Theo chuyên gia tư vấn tuyển sinh của các trường, thí sinh nên nghiên cứu 5 nguyên tắc chọn nghề như: chọn nghề phù hợp với đam mê, sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện đáp ứng; chỉ chọn nghề khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức…); không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu; chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Quá trình lọc ảo cho phép mỗi thí sinh (theo mã định danh cá nhân) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất. Vì thế, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, nguyện vọng mong muốn nhất xếp ở vị trí đầu tiên, rồi tới các nguyện vọng tiếp theo. Khi thí sinh đăng ký một nguyện vọng vào nơi mình yêu thích thì sẽ phải đăng ký luôn ngành đào tạo nào, phương thức nào mà thí sinh đã nộp hồ sơ, tương ứng với mã ngành cụ thể. Ngoài ra, thí sinh nên sắp xếp phương thức xét tuyển có lợi nhất theo sở trường của mình trong trường hợp trường/ngành sử dụng nhiều phương thức xét tuyển kết hợp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc