“Tranh dân gian xứ Huế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa

Đặc trưng

Với mong muốn tạo một tổng tập về tranh dân gian Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hòa đã quyết định thực hiện sách nghiên cứu về tranh dân gian Huế. Chị chia sẻ: “Huế với những đặc điểm về lịch sử, từng là kinh đô một thời nên sẽ có những đặc trưng riêng so với các vùng, miền khác. Trong những chuyến khảo sát thực tế ở vùng đất này, chúng tôi ngộ ra rằng, dải đất này còn tiềm ẩn nhiều hơn một dòng tranh như nhiều người đã biết”.

Năm 2015, quá trình nghiên cứu về tranh dân gian xứ Huế của nữ tác giả bắt đầu. Từ 1 - 5 chuyến vào Huế nghiên cứu mỗi năm, bên cạnh việc trao đổi với các nhà nghiên cứu tranh dân gian, nữ tác giả còn gặp gỡ các vị tăng ni, pháp sư, thanh đồng, thầy cúng, tham dự trực tiếp các nghi lễ có tranh dân gian Huế.

Chị phân tích: “Tranh dân gian mang đặc tính của vùng, miền, đặc trưng cho phong tục tập quán cũng như tín ngưỡng. Khác với các dòng tranh dân gian khác, tranh dân gian Huế chịu ảnh hưởng của cung đình Huế cũng như những đặc trưng của địa lý, con người Huế. Trong đó, tranh làng Sình là dòng tranh tiêu biểu nhất trong các dòng tranh dân gian đồ thế (là thể loại tranh xuất hiện trong nhiều dòng tranh khác nhau với mục đích chủ yếu dành cho hoạt động tâm linh) Việt Nam nói riêng cũng như tranh dân gian Việt Nam nói chung”. Bởi thế, nữ tác giả đã dành rất nhiều tâm huyết cho dòng tranh này.

Các công đoạn làm tranh làng Sình được trình bày tỉ mỉ

Chị cho biết: “Hiện nay, cả nước chỉ còn bốn dòng tranh lưu giữ cách in thủ công và phần lớn các dòng tranh này đều bị “thoái hóa”. May mắn thay, tranh làng Sình còn giữ được gần như nguyên bản so với thời điểm nó xuất hiện”.

Để làm rõ hơn những đặc trưng của tranh làng Sình, chị đã nghiên cứu, phỏng vấn, điền dã từ chính những người dân làng Sình, những tiểu thương ở chợ Đông Ba. Chị kể: “Trước đây, nhắc đến tranh làng Sình là nói đến ngay nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Điều này dễ gây hiểu nhầm rằng làng Sình chỉ còn lại một nghệ nhân duy nhất. Trong khi đó, có những gia đình nghệ nhân cha truyền con nối như nghệ nhân Mười hiện vẫn đang tiếp tục làm nghề tại làng Sình, nhưng đến giờ vẫn chưa được tôn vinh”.

Tâm huyết

Ngoài khảo tả các công đoạn thực hiện tranh làng Sình, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa đã mang những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về các dòng tranh dân gian khác của xứ Huế vào cuốn sách “Tranh dân gian Huế”. Đó là các dòng tranh dân gian gương kính Huế, tranh dân gian thêu Huế, tranh dân gian làng Chuồn, tranh dân gian bích họa, tranh phù điêu...

Chị khiêm tốn: “Tất cả những giá trị và ý nghĩa của mỗi làng nghề, mỗi dòng tranh dân gian xứ Huế như cách làm, nghệ nhân, nội dung tín ngưỡng bao năm qua vẫn vẹn nguyên. Có lẽ tôi chỉ là người chắp nối lại những mảnh ghép ấy qua những câu chuyện của người Huế, từ đó tổng hợp lại thành sách.”

Gắn bó nhiều năm với hoạt động nghiên cứu các dòng tranh dân gian, nữ tác giả nhận định không chỉ tranh dân gian Huế, nhiều dòng tranh khác cũng đang đứng trước sự mai một và biến mất khi không thể cạnh tranh với tranh in công nghiệp. Có nhiều thời gian tìm hiểu, trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều làng nghề, chia sẻ phương cách giúp bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này, chị tâm huyết: “Như tranh làng Sình, để bảo tồn, cần đầu tư để làm lại bộ mộc bản đường nét chỉn chu, đúng mẫu. Hiện nay, bộ mộc bản tại gia đình nghệ nhân Mười đang thiếu tranh bà Sơn. Dần dà theo thời gian, mẫu có thể sẽ mất”.

Việc thay đổi về quy trình sản xuất, tạo mẫu để tranh được đẹp hơn, được người dân Huế tự hào đón nhận cũng là một hướng đi phù hợp. “Ngoài ra, sự chung tay của các cấp ngành, nhất là việc thành lập bảo tàng tranh dân gian làng Sình đặt tại Sình cũng là một cách hay để bảo tồn, gìn giữ và quảng bá nghề thủ công này”, nữ tác giả nêu ý tưởng.

“Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa sinh năm 1977, hiện chị đang là Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Với tình yêu gốm và tranh dân gian, mong muốn gìn giữ, bảo tồn những di sản quý, chị đã cất công

nghiên cứu và là đồng tác giả của những cuốn sách nghiên cứu về tranh dân gian như: Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (2017), Dòng tranh dân gian Đông Hồ (2018), Dòng tranh dân gian Hàng Trống (2020) và mới đây nhất là Tranh dân gian đồ thế Việt Nam (2022)”.

Bài: Mai Huế - Ảnh: JOURNEYS IN HUE