Sử cũ chép, từ thời vua Gia Long đã cho xây dựng một đình nhỏ để treo bảng thông báo, được gọi là Bảng Đình. Mãi đến năm 1819, được xây dựng, tôn tạo khang trang hơn và được đổi tên thành Phu Văn Lâu, là nơi công bố những chiếu thư quan trọng của nhà vua. Dưới thời vua Thiệu Trị, triều đình cho dựng thêm ở hai bên hai tấm bia đá khắc 4 chữ “khuynh cái hạ mã”, nghĩa là ai đi qua nơi này đều phải nghiêng lọng (cởi mũ) và xuống ngựa!

Bia “Khuynh cái hạ mã” còn được dựng ở nhiều nơi. Ở đền Voi Phục (Hà Nội) có bia “Hạ mã”. Bia “Hạ mã” cũng được thấy ở bên trái giếng cổ phía trước đình Nôm (Hưng Yên). Đặc biệt, bên ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng có bia “Hạ mã”, được dựng năm 1771. Xưa kia, bia “ Hạ mã” cùng với tứ trụ (4 cột trụ) trước cổng, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu.

Theo quan niệm xưa, cưỡi ngựa ở những chốn tôn nghiêm là hành vi bất kính. Việc “xuống ngựa” nhằm biểu lộ sự kính trọng với các bậc thần linh, những người có địa vị cao trong xã hội. Ngẫm cho cùng, bia “Hạ mã” hay “Khuynh cái hạ mã”  là một chỉ giáo hay “biển báo”, được dựng lên để nhắc nhở những người đi qua, dù công hầu hay khanh tướng, võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ để biểu thị lòng tôn kính với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền.

Nhân chuyện bia đá “Khuynh cái hạ mã”, chợt nghĩ đến những quy định và biển báo hiện khá phổ biến hiện nay. Quy định cũng khá cụ thể và có thể kèm theo những biểu tượng có tác động mạnh. Tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa hay điểm đến du lịch còn dựng hẳn cả nội quy to đùng. Rành rành thế kia nhưng vi phạm thì cứ diễn ra, đến nỗi “biết rồi, khổ quá… nói mãi”. So với biển báo thời nay, “Khuynh cái hạ mã” rất kiệm từ khi chỉ có 4 từ nhưng ấn tượng, khắc ghi vào tâm trí bao thế hệ.

Cũng sử cũ chép, trong số con trai của vua Minh Mạng, Miên Phú nhiều lần khiến vua cha giận dữ. Vào một đêm, Miên Phú cùng các thuộc hạ tổ chức đua ngựa ở ngoài hoàng thành (cấm), gây náo loạn. Một bà lão bị ngựa của một thuộc hạ xéo chết. Vua Minh Mạng lập tức sai điều tra vụ việc. Dù không gây ra cái chết của bà lão, nhà vua vẫn ra lệnh tước mũ áo, cắt lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng… và buộc Miên Phú bồi thường 200 lạng bạc. Nhắc đến chuyện xưa để thấy, đằng sau 4 từ “Khuynh cái hạ mã” nhẹ nhàng kia là cả một nền pháp luật phân minh. 

Còn nữa, “Khuynh cái hạ mã” lại khiến ta suy ngẫm về ứng xử của cha ông. Đó là trọng sự học, trọng chữ, trọng thầy. Và, người ứng xử có văn hóa thì phải biết tôn kính những giá trị tốt đẹp được tạo nên nhờ những bậc thầy “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mỏi). Nền giáo dục ngày nay vang vang bao khẩu hiệu đổi mới, nhưng sự chuyển động còn khá chậm. Học để kiếm công ăn việc làm đã khó huống chi để làm người. Giáo dục do thế thiếu một nền tảng văn hóa của sự thiêng liêng, tôn kính việc trồng người.

Vượt qua biển báo và quy định thông thường, “Khuynh cái hạ mã”, vậy nên còn là một nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống, cần được gìn giữ.

ĐAN DUY