Những học sinh giỏi được khen thưởng tại lễ tuyên dương. Ảnh: Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang

15 giải cấp quốc gia, gần 250 giải cấp tỉnh, trong đó có huy chương vàng và huy chương bạc cấp quốc gia cuộc thi tiếng Anh IOE trên internet; giải nhất, nhì cấp quốc gia cuộc thi Trạng Nguyên toàn tài; giải ba cấp quốc gia cuộc thi Trạng Nguyên tiếng Việt… là kết quả đột phá của ngành GD&ĐT huyện Phú Vang trong năm học 2021-2022.

Theo ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang: Trước đây, khi 5 xã, thị trấn (Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Thuận An) chưa sáp nhập vào TP. Huế, chất lượng mũi nhọn tập trung tại các trường Phú Mậu, Phú Dương, Thuận An. Nhưng bây giờ, học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi, giao lưu, “rải” đều tại các trường trên địa bàn huyện; một số trường trước đây khá “vắng lặng” trong chất lượng mũi nhọn, nay cũng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, đóng góp vào kết quả chung, cũng là sự đột phá đáng ghi nhận.

Trường THCS Phú Diên có học sinh đoạt 2 giải nhất, 1 giải nhì (không có giải nhất) cấp tỉnh các môn toán, địa lý, máy tính cầm tay. Trường tiểu học Phú Đa 1 có 1 học sinh đoạt giải 3 Trạng Nguyên tiếng Việt cấp quốc gia; 6 học sinh đoạt giải nhất cấp tỉnh; 4 em đạt thành tích xuất sắc trong giao lưu Olympic cấp tỉnh và nhiều giải cao khác. Trường tiểu học Vinh Thanh 2 trước đây không có giải quốc gia, năm học này xuất sắc đạt 1 giải nhất cuộc thi Trạng Nguyên toàn tài cấp quốc gia, 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet; nhiều giải cao cấp tỉnh.

Trường tiểu học Phú Mỹ 2 có học sinh đoạt giải nhất cấp tỉnh môn toán với số điểm tuyệt đối 10/10. Sau rất nhiều năm, bây giờ lần đầu tiên học sinh Phú Vang (Trường THCS Phú Xuân, Trường tiểu học Vinh Thanh 2) đạt giải nhì cấp tỉnh môn tiếng Anh.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, ông Võ Văn Thịnh cho biết: Để đạt được kết quả như nêu trên, Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang luôn có những chỉ đạo về chuyên môn và các hoạt động linh hoạt, sát với tình hình thực tế trước những diễn biến, biến động do dịch COVID-19. Đồng thời, Phòng GD&ĐT huyện xác định, định hướng rõ và chỉ đạo, bên cạnh đảm bảo tốt, nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn không tập trung vào một số trường mà tất cả các đơn vị đều phải nỗ lực, có những mô hình, phương pháp phù hợp, luôn theo sát, đồng hành cùng học sinh hỗ trợ, “chắp cánh” cho các em phát triển được cao nhất khả năng, năng khiếu của mình.

Từng trường đều phải duy trì tốt, nâng cao chất lượng các câu lạc bộ (toán, tiếng Anh…) vừa để phát hiện năng khiếu và đam mê của từng học sinh; phân công giáo viên phù hợp, vừa đảm bảo môi trường để các em được giao lưu, cọ xát, bồi dưỡng, nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng. Thầy giáo Lê Tuấn Khương, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diên (một trong những trường được Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang đánh giá xuất sắc trong đột phá ngoạn mục, mang về nhiều giải cao cấp tỉnh) chia sẻ: Ngay từ lúc chuẩn bị đón lớp học trò, trước đó nhà trường đã liên hệ với các trường tiểu học trên địa bàn để tìm hiểu, nắm rõ những học sinh “mạnh” về môn gì, để bồi dưỡng, phát triển đúng hướng.

Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường xây dựng kế hoạch, triển khai chuyên đề “Đổi mới phương pháp dạy học”, trong đó “xoáy sâu” về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Nhà trường cũng tìm tòi tài liệu, hỗ trợ giáo viên có phương pháp bồi dưỡng phù hợp, để các em tiếp thu, lĩnh hội sâu hơn. Bên cạnh đó, nhà trường, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, có sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với học sinh và giáo viên có thành tích cao, từ đó khích lệ, lan tỏa sự cố gắng, nỗ lực của cả thầy và trò. Kết quả: ngoài đột phá về chất lượng mũi nhọn, chất lượng học sinh giỏi đại trà so với kế hoạch do Sở GD&ĐT đề ra 32%, vượt lên 34,9%.

“Đối với Trường tiểu học Phú Đa 1, chính sự đam mê học tập của nhiều học sinh là động lực để giáo viên cống hiến nhiều hơn; sự tương tác ăn ý giữa thầy và trò, tạo hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh bồi dưỡng học sinh năng khiếu, giáo viên thu xếp, tranh thủ bất thời gian nào, để nâng cao chất lượng đại trà. Sau khi phân hóa đối tượng học sinh, giáo viên chủ nhiệm giao các bạn học sinh giỏi kèm thêm các bạn còn yếu vào các thời gian truy bài đầu giờ, thời gian ra chơi. Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh lớp 1 học qua truyền hình kém hiệu quả. Do đó, khi tình hình dịch ổn định, học trò quay lại học trực tiếp, mọi giáo viên không nề hà, mọi lúc mọi nơi “lấp chỗ hổng” cho học trò. Do đó, trường đã đảm bảo chương trình, đồng thời cũng đảm bảo chất lượng; chất lượng mũi nhọn đi lên”- cô giáo Hồ Thị Lệ Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Đa 1 thông tin.

Theo ông Võ Văn Thịnh, từ những chỉ đạo linh hoạt của Phòng GD&ĐT huyện, sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ mọi mặt của phòng và chính quyền địa phương các cấp, tùy theo tình hình cụ thể, mỗi đơn vị đều xây dựng mô hình, cách làm phù hợp, vượt qua nhiều khó khăn do dịch COVID-19, vượt qua “hao khuyết” khi những trường mạnh về chất lượng mũi nhọn trước đây sáp nhập vào TP. Huế, nâng cao chất lượng dạy và học nói chung, đột phá về chất lượng mũi nhọn nói riêng của từng đơn vị và ngành GD&ĐT huyện. Bội thu nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia là “minh chứng”, đồng thời là động lực để ngành GD&ĐT huyện Phú Vang tiếp tục nỗ lực, cố gắng.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT huyện Phú Vang hoàn thành chỉ tiêu công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp độ II và trường chuẩn quốc gia cấp độ I. Đến nay, Phú Vang có 45/55 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 81,8%.

QUỲNH ANH