Độc đáo và không thể thay thế

Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vốn được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn và được thể hiện trực tiếp bằng nhiều loại hình chất liệu khác nhau: gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ... trên công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn như một cách thức trang trí đặc biệt, chỉ riêng có tại Cố đô Huế. Hiện nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế đang lập hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới. Và, Hội thảo chính là một diễn đàn khoa học để các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu, đồng thời nêu quan điểm của mình, nhằm tạo điều kiện để Trung tâm BTDTCĐ Huế có thêm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ đề cử.


Quang cảnh Hội thảo

Đã có 32 bài tham luận của các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý văn hóa, tập trung thể hiện 3 nhóm nội dung, gồm: Tổng quan về Di sản ký ức và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Giá trị nội dung, hình thức và nghệ thuật đặc sắc của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế là sự khác biệt nổi bật của một kiểu trang trí kiến trúc riêng có của Việt Nam, so với kiến trúc của các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Việc chủ động trang trí thơ chữ Hán với các hình thức khác nhau trên kiến trúc có lẽ chỉ có ở triều Nguyễn. Ở những công trình tương tự như vậy của các nước đồng văn là hoàn toàn không có. Vì lẽ đó, có thể khẳng định đây là sự độc đáo của một lối trang trí kiến trúc định hình, ổn định và phát triển thành một ngôn ngữ thẩm mỹ riêng biệt. Đó là một giá trị có tính đỉnh cao”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế nói.

Trong tham luận tại Hội thảo, TS. Phan Thanh Hải và nhóm cộng sự cũng chia sẻ: Di sản thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là dạng văn tự được sử dụng chung trong các nước đồng văn (các nước trong khối văn hóa Nho giáo: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) suốt hàng ngàn năm nên có tính quốc tế và tính phổ biến rất cao. Ngôn ngữ này không chỉ dành cho người Việt Nam mà các sứ thần của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… khi đến kinh đô Huế đều có thể dễ dàng đọc và lĩnh hội được ý nghĩa. Hơn nữa, cách sử dụng thơ văn như một hình thức trang trí cho công trình kiến trúc, kể cả kiểu “nhất thi nhất họa” trên kiến trúc gỗ hay thi họa xen lẫn trên công trình kiến trúc hiện đại giai đoạn sau cũng là phong cách hiếm gặp và gần như đã đi vào điển chế của triều Nguyễn, tạo nên dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam.  

Hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế còn lại hiện nay chưa từng bị thay đổi, hầu như vẫn còn nguyên ở trạng thái ban đầu, trừ sự tàn phá của chiến tranh, thời gian. Chưa có tư liệu nào đề cập đến lần trùng tu, thay đổi nào tác động tới hệ thống thơ văn này. Là tài liệu nguyên gốc, lại giữ được đặc tính nguyên bản, chưa bị chỉnh sửa thay đổi, chỉ riêng đặc điểm này đã thể hiện giá trị nổi bật và độc đáo của hệ thống di văn trên kiến trúc cung đình Huế trong tổng thể hệ thống di sản thơ văn thời trung đại còn tồn tại ở Việt Nam.

Còn nhiều việc phải làm

Với rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, TS. Vũ Thị Minh Hương – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức Thế giới Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nhấn mạnh, cần làm rõ một số giá trị di sản mang tính xác thực, tính độc đáo và duy nhất, tính quý hiếm và bổ sung thêm các tiêu chí về thời gian, tiêu chí về địa điểm và tiêu chí về con người, về tính hiếm có. “Trong hồ sơ cần đưa ra những tư liệu minh họa cho kết luận về di tích này chỉ có ở cung đình Huế, khẳng định không có một cung đình nào khác trong số các nước đồng văn, hoặc trên thế giới có loại hình thơ văn trên kiến trúc cung đình”, TS. Vũ Thị Minh Hương nêu rõ.

GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, sau khi phân tích tổng thể hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, đã nhận định “Đây là di sản vô cùng phong phú và có giá trị. Tôi nhận thấy hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới”. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu đề nghị 3 việc mà Trung tâm BTDTCĐ Huế cần triển khai.

Đó là sớm việc thành lập một tổ chuyên gia am hiểu về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế để tập trung điều tra, khảo sát, thống kê đầy đủ, cụ thể, ghi chép, phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ thơ văn, cùng với các họa tiết trang trí mỹ thuật trên từng công trình kiến trúc. Từ đó nhận diện một cách đầy đủ với số liệu chính xác toàn bộ hệ thống thơ văn trên công trình kiến trúc cung đình Huế để đưa vào hồ sơ, minh chứng thuyết phục những giá trị mang tính quốc tế của di sản này.

Thứ hai, cần tập trung làm rõ tiêu chí về tính độc đáo, duy nhất và đánh giá giá trị, tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế của di sản tư liệu mà chúng ta đăng ký. Cần phải đi sâu nghiên cứu loại hình di sản này ở các nước, đặc biệt là các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc, để viết cho "chắc tay" về tính độc đáo, duy nhất và hiếm có của di sản tư liệu trên công trình kiến trúc Huế. Mặt khác, hồ sơ chỉ nên tập trung giới thiệu giá trị của Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; không nên mở rộng sang các loại hình di sản tư liệu trên bi ký, đồ gốm sứ, tranh gương... Đi vào các loại hình này sẽ khó thuyết phục về tính độc đáo, duy nhất và hiếm có của di sản này.

Thứ ba, trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện đề án "Kế hoạch quản lý Quần thể Di tích Huế giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến 2030", đề nghị kết hợp chuẩn bị Kế hoạch quản lý Di sản tư liệu Hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, trong đó có kế hoạch bảo quản di sản tư liệu này.


TS.Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh vấn đề đào tạo con người để phục vụ lâu dài cho việc bảo tồn các giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

TS.Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, sau khi đề cập đến tình trạng của di sản Huế và hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình, đối chiếu với hệ thống tiêu chí của Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, cũng đề nghị phải đánh giá kiểm kê một cách tổng thể hiện trạng bảo quản của di sản này từ đó, đưa ra các kế hoạch, giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị. Đồng thời, cũng nhấn mạnh vấn đề đào tạo con người để phục vụ lâu dài cho sự nghiệp bảo tồn, đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá về các giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Hiện nay, thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế được bảo quản một cách tự nhiên, được sao chép tư liệu sang một dạng thức khác để phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, tham quan, khảo sát. Việc tiếp cận với các loại bản sao sẽ làm giảm áp lực lên tài liệu gốc, từ đó giúp cho công tác bảo quản tài liệu gốc được tốt hơn. Chỉ khi khối lượng tư liệu này được sử dụng thì giá trị của nó mới được phát huy trong đời sống xã hội và công tác bảo tồn mới có ý nghĩa thực tiễn.

Trong một số tham luận, các đại biểu cũng đã đề cập đến kế hoạch trưng bày, triển lãm và công bố trên nhiều phương tiện thông tin, nhằm quảng bá, giới thiệu những giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Trải qua hơn 200 năm, một số công trình được trang trí thơ văn chữ Hán đã bị phá hủy, nhưng rất may là phần lớn các công trình quan trọng vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay. Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.

 

Đồng Văn