Kit test nhanh COVID-19 của Việt Á gây ra cơn “dư chấn” dữ dằn trong xã hội (Ảnh minh họa)

Điều gì đang xảy ra ở ngành y tế vậy? Nhiều người bàng hoàng và không thể tin, vì đây ngành y tế - nơi chữa bệnh cứu người, không phải là ngành kinh tế - nơi tạo ra tiền bạc cho xã hội và cũng luôn gặp phải rủi ro từ tiền bạc.

Chưa bao giờ mà các vụ án lại liên tục khởi tố với ngành y tế như những ngày tháng của hai năm trở lại đây. Ngay khi cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra căng thẳng thì lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phải lãnh án tù vì nâng khống giá để kiếm lợi trong việc mua sắm máy móc chống dịch. Vụ án CDC Hà Nội điều tra chưa xong thì lại khởi tố vụ án khác ở Bệnh viện Bạch Mai, cũng với hành vi nâng khống giá mua thiết bị y tế để kiếm lợi. Chỉ trong 12 tháng (từ tháng 9/2020 đến tháng 10/2021), Bệnh viện Bạch Mai đã có hai ông giám đốc bị khởi tố và sau đó đã lãnh án tù. Bạch Mai là bệnh viện lớn nhất trong các bệnh viện tuyến trung ương, trực thuộc Bộ Y tế.

Trong khi các vụ án nâng khống giá thiết bị y tế vẫn chưa điều tra xong, thì lại nổ ra vụ án “thổi giá” bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á, liên quan đến hàng loạt đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương, cả dân sự lẫn quân đội. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Bộ Y tế, các CDC và bệnh viện của nhiều tỉnh thành, Học viện Quân y... đã bị khởi tố. Hàng loạt cán bộ chủ chốt ở các đơn vị này đã bị kỷ luật, cách chức. Cho đến lúc này, vụ án vẫn đang quá trình mở rộng điều tra và việc khởi tố vẫn chưa dừng lại...

Dư luận gọi đó là “đám mây đen” đang che phủ ngành y tế. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, một chuyên gia y tế lâu năm, đã phải thốt lên: “Tại sao bây giờ ngành y tế lại nhiều vi phạm, sai phạm như vậy?”. Câu hỏi nhức nhối này sẽ được các cơ quan pháp luật và cả những cơ quan nghiên cứu lập pháp, hành pháp trả lời tường tận trong thời gian tới. Nhưng điều mà người dân lo lắng nhất, ngay lúc này, đó là các bệnh viện, các cơ sở y tế đang hoạt động thế nào, trong tình trạng phập phồng, lo lắng?

Nhiều lãnh đạo của các bệnh viện, các cơ sở y tế phát biểu rằng không dám mua sắm vật tư, thiết bị gì mới, vì sợ vi phạm pháp luật. Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, cho hay: “Anh em xuống tinh thần, bệnh viện chẳng dám mua sắm”. Bà Phong Lan cho rằng, người vi phạm thì phải xử lý, nhưng cũng cần xem lại các bất cập của pháp luật, cũng như vướng mắc của cơ chế, mà cụ thể là quy định về trách nhiệm quản lý, quy trình đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế…

Đồng ý rằng pháp luật chưa hoàn chỉnh cũng là nguy cơ phạm pháp, cơ chế còn vướng mắc khiến người không cố tình cũng có thể vô tình vi phạm. Nhưng, tại sao cùng trong một bối cảnh pháp luật chưa hoàn chỉnh, cơ chế còn vướng mắc, mà chỉ ngành y tế lại liên tục sai phạm và sai phạm nặng nề như thế? Vì sao, cùng một cơ chế vận hành như nhau, mà vẫn có người quản lý y tế không sai phạm, hoặc sai phạm không đến mức phải vào tù?

Đừng nói rằng ngành nào cũng nhiều sai phạm, nhưng không bị “nội soi” quyết liệt nên không bị lộ ra bệnh tật nhiều như ngành y. Đừng nói rằng con số người vi phạm là không ít, nhưng chưa bị lộ mà thôi. Đó là cách nói xuê xoa để biện minh cho người vi phạm, đổ lỗi cho pháp luật, cho cơ chế, mà chúng ta đã nghe quá quen trong suốt mấy chục năm qua.

Xã hội có hàng trăm nghề, nhưng nghề y là một nghề có sứ mệnh đặc biệt: cứu người. Đó là thiên chức, tức là chức năng do tạo hóa mặc định, và cả xã hội luôn tin cậy giao phó. Bệnh viện không phải là thương trường để có thể nói: cái gì pháp luật không quy định thì có quyền làm, luật hở thì cứ lách. Bởi vì hoạt động của ngành y, không chỉ tuân thủ luật pháp mà còn buộc phải tôn trọng các quy định về y đức.

Cũng có ý kiến cho rằng, đời sống của người làm y tế không cao, không tương xứng với lao động vất vả và trách nhiệm nặng nề mà họ phải gánh vác. Quả thật, thu nhập của một bộ phận khá đông nhân viên y tế đang còn thấp, đời sống vẫn còn khó khăn. Nhưng những người tham nhũng trong các vụ án y tế vừa qua không phải là nhân viên y tế, mà là cán bộ quản lý, lãnh đạo. Vậy thì, có phải những người này vi phạm pháp luật chỉ vì đời sống quá khó khăn?     

Vì vậy, thật khó lòng chấp nhận câu trả lời của lãnh đạo các cơ sở y tế: không dám mua sắm máy móc, thiết bị và cả thuốc men, vì sợ vi phạm. Nếu các vị cứ mua sắm theo đúng quy định lâu nay, không đặt ra các yêu cầu hoa hồng, lại quả, thì việc đó có thể chậm trễ do cơ chế còn vướng mắc, nhưng không phải việc mua sắm nào cũng có thể phạm pháp. Pháp luật hiện chưa hoàn chỉnh, nhưng không phải là cạm bẫy cho ngành y tế!

Thực tế nhiều năm qua, cũng trong bối cảnh pháp luật còn bất cập, cơ chế còn vướng víu đó, đã có nhiều lãnh đạo chấp nhận “phá rào” để nhanh chóng hoàn tất công việc. Nhưng nếu việc họ làm thật sự vì nước, vì dân, với động cơ trong sáng, không trục lợi, thì ngay cả khi họ vô tình vi phạm cũng không cơ quan bảo vệ pháp luật nào lạnh lùng xử tội. Không người dân nào mà không bảo vệ những người cán bộ vì dân, vì nước, mà vô tình vi phạm pháp luật. Đã có không ít bác  sĩ, vì tình huống khẩn cấp, đã chấp nhận vi phạm quy định, để kịp thời cứu sống bệnh nhân. Họ có bị pháp luật trừng phạt đâu, thậm chí dân chúng còn tôn vinh họ!

Sứ mệnh hệ trọng của ngành y là cứu người, phải cứu sống sinh mạng con người, không thể chần chừ vì bất cứ điều gì. Nếu lãnh đạo các bệnh viện e ngại mua sắm thuốc men, máy móc, thì lấy gì để cứu người?

Bài: MINH TỰ - Ảnh: HT