Ẩm thực ngon là một yếu tố thu hút khách du lịch (ảnh minh họa)

Có người bạn từ Hà Nội vào chơi. Buổi sáng, tôi a lô mời đi điểm tâm, hỏi có đề xuất gì không? Bạn gọn lỏn: Bún bò cơm nguội. Thấy báo cậu vừa giới thiệu, có vẻ lạ và hấp dẫn đấy...

Tưởng gì, món ấy dễ. Tôi đèo bạn vượt cầu Trường Tiền trực chỉ đường Trịnh Công Sơn để ghé quán Cảnh Vân. Hóa ra mình quá lạc hậu, do chủ quan, đi hơi trưa, đến nơi thì quán đã rửa vung úp nồi. Thấy bạn hơi thất vọng, tôi trấn an: “Đừng vội nản, tớ sẽ cho bạn ghé quán bún mệ Kéo ở đường Bạch Đằng cạnh đây, một địa chỉ nổi tiếng, đảm bảo ngon nhức nách!”. Nhưng đến 20 Bạch Đằng, quán đã treo cái biển rất…vô duyên: “Hết bún”! Vậy là tôi hết múa. Sợ múa nữa quá tam ba bận thì mất thiêng, tôi buông xuôi: “Do mình đủng đỉnh quá. Thôi, đi khan, gặp mô ăn nấy…”.

Từ quán mệ Kéo tôi tiếp tục chở bạn xuôi về phía hạ lưu chừng mấy chục số nhà nữa. Đây rồi, một quán bún vẫn đang còn hoạt động. Quán dọn trong ngôi nhà cổ khá tối và thấp mái, nhưng thấy người ăn khá đông khiến tôi lóe lên tia hy vọng sẽ đền bù được chút gì cho bạn. Trong quán đã hết chỗ, người của quán chỉ cho chúng tôi qua ngồi ở chiếc bàn kê ở vỉa hè, trước nhà số 92. Hai tô bún bốc khói được bưng ra, thơm phức. Nhìn qua cục chả cua, chưa ăn đã thấy hấp dẫn rồi. Và quả như “dự báo”, tô bún đã làm chúng tôi quên béng cái vụ bún bò cơm nguội vừa nãy. Bạn tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, thế này mới là bún Huế chứ, làm tôi cũng thiếu đường phổng mũi.

Do vỉa hè rất hẹp nên gần như sát bên cạnh bàn của chúng tôi là một anh xích lô đang ngồi chờ khách. Tôi bắt chuyện, hỏi sao không đến những tụ điểm công cộng để đón khách, chứ trên tuyến đường vắng như thế này thì bao giờ mới có khách mà chạy? Hóa ra tôi nhầm, anh cho biết khách của anh đang vào ăn bún, anh ngồi đây chờ. Anh tài xế xích lô cũng là người rất mặn chuyện. Anh bảo chở khách từ bờ nam, sang đây định giới thiệu cho khách ăn bún mệ Kéo. Không ngờ hết bún nên anh đưa về đây, một quán mà theo anh là cũng rất được. Anh cũng giới thiệu cho chúng tôi thêm một vài quán khác mà anh cho là xứng đồng tiền bát gạo. Đang vui nên tôi hỏi nhỏ: “Hỏi chút đừng mếch lòng nhé, chở khách đi ăn như thế các quán họ có phần trăm gì cho mình không?”. Anh cười hiền: “Không có mô anh ơi. Quan trọng là bán cho ngon, cho chất lượng. Khách ăn ra thấy người ta hài lòng, ngợi khen là mình vui, mình oai cho Huế rồi. Rứa sau ni người ta mới quay lại, và anh em tui mới có khách mà chở. Chứ đáng chi dăm ba ngàn, để vì rứa mà quán người ta bớt nêm nếm; hoặc chở khách đến những chỗ không ngon cũng chỉ vì chỗ nớ người ta cho năm ba ngàn, rứa thì Huế mang tiếng mà anh em xích lô bọn tui cũng dần dần khó sống vì khách người ta chán, không quay lại với Huế nữa…”.

Anh tài xế xích lô còn trải lòng, rằng mấy năm dịch dã vừa rồi, du lịch đóng băng khiến nghề của anh cũng chết cứng. Nay mở cửa, khách bắt đầu quay trở lại, mới thấy nó quý vô cùng. Có thu nhập, và nhất là có việc làm, nó vui tươi, thoải mái trong người chứ không phải bí rì bức bối như suốt 2 năm vừa rồi. Thế nên mỗi người mỗi tay phải lo mà chăm chút nó… Đến đây thì khách của anh đã trở ra. Tôi vẫy tay chào kèm lời chúc may mắn. Nhìn chiếc xích lô dần xa, lòng chợt vui vui dễ chịu. Lãnh đạo tỉnh, thành phố đã nhiều lần gặp mặt lắng nghe, động viên; nghiệp đoàn xích lô cũng nhỏ to nhắc nhau trong tác nghiệp, xích lô Huế giờ đây có vẻ đã dần dà có sự chuyển biến về chất lượng phục vụ, bắt đầu từ suy nghĩ, từ thái độ của chính những người tài xế - những “đại sứ du lịch”.

Mong cho sự chuyển biến đó sẽ ngày càng lan tỏa. Và cũng mong cho sự lan tỏa đó không chỉ dừng ở nghề xích lô, mà còn lan đến mỗi gian hàng, mỗi nhãn hiệu, mỗi người dân xứ Huế… Ai cũng tự hào, cũng trách nhiệm để đều là một “đại sứ du lịch”. Lúc ấy, Huế cố đô chắc chắn sẽ trở thành một “điểm đến” lấp lánh, mời gọi nhất trên bản đồ du lịch.

Bài, ảnh: Hiền An