Tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ các xã biên giới A Lưới

Lần đầu tiên “gặp” trên facebook tấm ảnh người phụ nữ trong bộ quân phục bộ đội biên phòng (BĐBP) đang tặng quà cho phụ nữ, trẻ em khó khăn của huyện A Lưới, điều khiến tôi ấn tượng là những nụ cười bình dị, rạng rỡ.

Có thật nhiều ấm áp trong ánh mắt người phụ nữ - người lính quân hàm xanh và tin cậy trên gương mặt sạm nắng gió của những người phụ nữ chân chất nơi núi rừng, nương rẫy.

Thiếu tá Trần Thị Nam Phương (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh) cho biết, chỉ 12 hội viên phụ nữ, nhưng bên cạnh các chị là đồng đội, là rất nhiều cơ quan, tổ chức, mạnh thường quân cùng đồng hành, cùng chung sức, để những điều tốt đẹp được xây dựng, nối dài trên mảnh đất biên giới - mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Làm thức ăn khô gửi miền nam trong thời kỳ chống dịch COVID-19

Cách đây 6 năm, Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ dê giống cho phụ nữ khó khăn tại các xã biên giới huyện A Lưới. Thiếu tá Trần Thị Nam Phương bất chợt nở nụ cười khi nhớ lại chị và đồng đội đã lặn lội, “cực khổ” từ thôn này qua thôn khác nơi bản làng xa xôi, tìm hiểu, “sàng lọc”, lựa chọn những gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhưng khao khát, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, để việc trao sinh kế thực sự mang lại hiệu quả, ý nghĩa.

Những con dê giống do hội viên Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh bỏ tiền túi ra mua và được đồng đội tại các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện A Lưới tiếp sức chăm sóc, nhân lên. Ban đầu các chị nuôi gửi ở Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân. Sau đó, để tận dụng nguồn thức ăn dồi dào trong tự nhiên, đàn dê lại được đưa đến Đồn biên phòng Hương Nguyên, sát tỉnh Quảng Nam.

Từ những con dê giống “trích” từ đàn dê của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, các hộ phụ nữ nghèo tại xã Hương Nguyên đã chăm sóc, nhân đàn, bán nhiều lứa. “Có 2 hộ thuộc diện nghèo đặc biệt, nhưng rất chăm chỉ. Vốn tích lũy từ dê, họ mở rộng sang nuôi thêm heo gà, trồng chuối. Chỉ trong 2 năm, họ đã thoát nghèo.

Những năm sau này, mỗi chuyến lên A Lưới công tác, chúng tôi ghé thăm, thấy cuộc sống của họ ngày càng ổn định, kinh tế ngày một khá giả, yên lòng và vui lắm” - Thiếu tá Trần Thị Nam Phương bộc bạch.

Lựa chọn dê giống để trao sinh kế cho các hộ phụ nữ nghèo

Gom góp yêu thương từ những điều “nhỏ nhặt” để gửi đến phụ nữ, trẻ em khó khăn vùng biên giới, Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh phát động, triển khai chương trình “Ấm tình mùa đông”. Từ số tiền nuôi heo đất tiết kiệm, vào các dịp Tết Nguyên đán, các chị tặng nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu như chăn ấm, gạo, dầu ăn, mứt, bánh…, để những bếp lửa nghèo nơi bản làng xa xôi luôn đượm.

Nồng ấm đó, Thiếu tá Nguyễn Thị Hiền, nhân viên Phòng Phòng chống ma túy& tội phạm, cán bộ Ban chấp hành Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, không biết bao lần mang đến cho các mẹ, các chị và các cháu nhỏ ở A Lưới. Bằng tiền cá nhân và gia đình, đồng thời kết nối với bạn bè; nhóm từ thiện “Biên cương xanh”, Thiếu tá Nguyễn Thị Hiền đã mang đến hàng nghìn quyển vở, hàng trăm chăn ấm, tấm xốp lót (dành cho các cháu trường mầm non)… trị giá 70 triệu đồng, cho người dân xã Hồng Thượng, Quảng Nhâm sau thiên tai, bão lũ.

Khi gửi những phần quà, là áo quần mới, đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo các xã biên giới Hồng Vân, Trung Sơn, Thiếu tá Nguyễn Thị Hiền và đồng đội ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân không quên những đứa trẻ, là con của một nữ đối tượng bị bắt vì có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Cùng với yêu thương, người lính luôn trở trăn trách nhiệm. Thực sự cảm hóa những người trót lầm lỡ; đồng hành, hỗ trợ họ quay về cuộc sống lương thiện, chính là cách các chị cùng đồng đội của mình xây dựng, bảo vệ bình yên vùng đất biên cương.

Trong những ngôi nhà “mái ấm tình thương”, những mô hình sinh kế, những công trình vệ sinh cho các hộ nghèo, những con đường bê tông khang trang ngập tràn ánh điện lúc đêm về, có “dấu chân” của Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh, dọc theo năm tháng, cùng đồng đội ngược xuôi làm cầu nối, kết nối với các cơ quan, tổ chức, mạnh thường quân, giúp người dân biên giới phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cũng là phụ nữ, các chị thấu hiểu những lo toan vất vả, những “nặng gánh” của các mẹ, các chị, các cháu nhỏ trên mảnh đất biên giới xa xôi còn nhiều khó khăn, hạn chế kể cả vật chất lẫn đời sống tinh thần. Làm cách nào cải thiện môi trường sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe của người dân nơi đây nói chung, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, là điều các chị nghĩ suy, trăn trở.

Vậy nên, trong vai trò cầu nối, các chị sẵn sàng đóng góp tâm huyết, công sức, rất “kỹ” trong khi khảo sát thực tế, để từ đó, nhiều hộ phụ nữ thực sự nghèo, khó khăn, được hỗ trợ xây dựng công trình phụ, công trình vệ sinh. “Không bao giờ một mình” là câu nói mà Thiếu tá Trần Thị Nam Phương nhiều lần khẳng định, khi nói về những hoạt động mà Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh thực hiện độc lập, hay trong vai trò kết nối, phối hợp. Các chị luôn biết ơn đối với bất cứ sự hỗ trợ nào, từ vài triệu đồng đến vài tỷ đồng và trân quý những giọt mồ hôi, công sức mà đồng đội đóng quân trên địa bàn đã đóng góp, xây dựng đường sá, những ngôi nhà đại đoàn kết, mái ấm biên cương, nhà tình thương… Đó là những yêu thương không đong đếm. 

Thiếu tá Trần Thị Nam Phương bày tỏ, trong vai trò người phụ nữ - người lính quân hàm xanh - các chị vô cùng mừng vui trước những đổi thay trong suy nghĩ, tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói chung, của chị em phụ nữ nói riêng.

“Mới đây, trước, trong và sau khi thực hiện tuyên truyền pháp luật về Luật Hôn nhân & gia đình, về phòng, chống bạo lực gia đình, về quyền trẻ em…, qua tìm hiểu, nắm thông tin, đồng thời đến nhiều hộ dân để khảo sát, chúng tôi vui mừng vì trên những xã biên giới do BĐBP quản lý, phụ trách, không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Cha mẹ các cháu đều ý thức được, chỉ có học tập mới giúp lớp trẻ có cuộc sống tốt đẹp, đóng góp cho xã hội” - Thiếu tá Trần Thị Nam Phương kể.

Bài: QUỲNH ANH - Ảnh: BĐBP TỈNH