Mưa bắt đầu nặng hạt khi tôi dừng xe tại Tịnh Trúc Gia (Thuỷ Xuân – TP Huế). Cảm giác mát dịu của cơn mưa đầu hạ cộng sự hiếu khách của Nguyễn Đình Long – người thầy dạy vẽ cho các em khuyết tật ở đây, khiến câu chuyện kéo dài không dứt.
Tìm thấy chính mình
Bày ra trước mắt tôi cơ man nào là giấy, màu, cọ... Không có tiếng xì xầm, mỗi người đều có một cảm xúc riêng, mải mê thả hồn qua các bức tranh. Thầy Long nói như giao kèo, hãy gọi những người bạn của tôi là khiếm khuyết, nghe sẽ nhẹ nhàng và hay hơn rất nhiều... Tôi gật đầu đồng ý.
|
Chăm chú vẽ tranh tại xưởng Sơn Mài Tịnh Trúc Gia
|
Thầy Long không dạy vẽ theo đề tài, theo chủ điểm nên tranh của các em không có khuôn mẫu, không bức nào giống bức nào. Các em không hề nghèo nàn ý tưởng. Khẩu hình của người thầy đã chuyển tải những thông điệp về cuộc sống, về tình yêu thiên nhiên, con người, lễ hội và các đề tài lịch sử. Những chuyến đi dã ngoại ở khắp nơi giúp các em có nhiều đề tài, góc cạnh của cuộc sống để thể hiện.
|
Giấc mơ mùa Hạ của Huỳnh Thị Thanh Thảo
|
Những bức tranh ở Tịnh Trúc Gia phong phú, phản ảnh đủ sắc màu trong sinh hoạt thường nhật. Trước khi đến với hội hoạ, có em còn không biết cầm chiếc cọ. Những nét cọ đơn giản, nhỏ bé như chính cảm nhận, suy nghĩ của các em về cuộc sống. Mới 3 tuần trước, Tống Phước Cầu chỉ vẽ được mỗi một ngôi nhà bằng hộp diêm và duy nhất chỉ một bông hoa khi thầy Long kiểm tra khả năng trước khi vào xưởng vẽ. Giờ đây, tranh của Cầu thể hiện sự đa dạng, phong phú về ý tưởng và giàu tình cảm. Cũng vẽ hoa, vẽ nhà, nhưng một ngôi nhà đầy hoa, đầy nắng, khá sinh động, có tính mỹ thuật. Tông độ mạnh mẽ trong các bức tranh được chuyển từ màu đậm sang nhạt. Các gam màu được thể hiện trong tranh khá cụ thể, đường nét rõ ràng. Các chi tiết có nhiều cái tách biệt nhưng nhìn vào vẫn thấy tổng thể chung, thể hiện suy nghĩ rõ ràng, sự mạnh mẽ, gan dạ bên trong của chàng trai ở tuổi 17. Cầu đã bộc lộ năng khiếu hội hoạ khi em được sống trong thế giới của chính mình, có những người bạn cùng hoàn cảnh.
|
Tác phẩm Vòng Tròn của Nguyễn Văn Tiến
|
Ngoài tranh còn có những tấm thiệp nhỏ do các em tự làm. Từ hàng ngàn tấm thiệp ấy, nhiều tấm được chọn để thể hiện thành tranh sơn mài, được trưng bày ở các phòng trà, gallery và khách sạn trong thành phố.
Chạm đến cái đẹp
|
Hình ảnh con Hổ trong suy nghĩ của Lê Xuân Lãm
|
Trong xưởng sơn mài hôm ấy, ấn tượng nhất với chúng tôi là tranh của Phan Đình Công. Em bị câm điếc bẩm sinh, song khả năng cảm nhận và thể hiện rất tốt. Tranh bày tỏ tâm trạng của em trong những thời điểm khác nhau, lúc thì vui tươi nhưng lúc lại buồn man mác, nhẹ nhàng tình cảm. Bức tranh “Thả diều” của Công thể hiện sự quan sát tinh tế cũng như tái hiện không gian yên ả ở một vùng quê với màu sắc nhẹ nhàng. Đó là hình ảnh chú bé cưỡi trâu thong dong thả diều ở bờ sông trong buổi chiều thanh bình. Hay trong một bức tranh khác, Công chỉ mô tả một chiếc xe đạp nhưng chính những nét vẽ mơ hồ, màu sắc lại sinh động khiến người xem có cảm giác rất rõ ràng như mùa hè đang về. Chiếc xe đạp có thể sẽ cùng bạn chu du khắp nơi để xua tan cái nóng nực khi tiếng ve râm ran. Công vẽ về một con thuyền đang đi trên mặt nước, buồm giăng nhưng người xem vẫn cảm nhận được con thuyền không chạy nhanh, cứ đủng đỉnh trôi trong làn sương mỏng. Cuộc sống cứ trôi chầm chậm nhưng lại thể hiện chiều sâu nội tâm, không u buồn, không đầu hàng số phận.
Với các em khiếm khuyết, vẽ tranh là cách thể hiện tâm trạng, là nói những điều muốn tỏ bày. Có đôi khi các em vẽ ngay lập tức, nhưng lắm lúc cảm nhận sự vật, hiện tượng rất chậm, ẩn sâu, biến tấu vào bên trong.
Nguyễn Văn Tiến có một bức tranh sơn dầu khá ấn tượng ghi lại những cảm xúc dâng trào trong một lần về quê ngoại. Anh Long kể: Khi Tiến ở quê vào, tôi thấy em rất vui, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Tôi liền đưa giấy viết cho em và bức tranh “Quê hương” được vẽ rất nhanh. Đó là nơi lớn lên của mẹ với bầu trời trong xanh, có những dãy núi đồi xanh thẳm, trùng trùng điệp điệp. Những đứa trẻ ở miền quê đang dắt trâu đi ăn và xa xa có những chú gà trống đang mải mê kiếm mồi ở đó là niềm khát khao có một tuổi thơ yên bình.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương từng nhận xét về thông điệp mà các hoạ sĩ khuyết tật mang đến: “Khi xem tranh, chúng chạm đến nghị lực và cái đẹp. Sự thăng hoa ấy đã trao lại cho chúng ta thông điệp đầy nhân văn: đừng nản lòng, dù bất cứ hoàn cảnh nào...”.
Bài, ảnh: Huế Thu