Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI vừa ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát  triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh bảo đảm về quy mô, cơ cấu, chất lượng. Hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế; phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; công chức quản lý chuyên nghiệp… đáp ứng yêu cầu phát triển.

Rõ ràng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu sống còn của mỗi lĩnh vực, địa phương. Với Thừa Thiên Huế, nhiệm vụ này có những đặc thù riêng, gắn với những ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế, như văn hóa, di sản; du lịch; y tế; giáo dục và mới nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ. Đây cũng chính là những lĩnh vực, lợi thế làm bệ đỡ, xương sống, mũi nhọn để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Những năm qua, nguồn nhân lực của Thừa Thiên Huế có bước phát triển. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô nguồn lao động chất lượng cao chiếm trên 14% tổng việc làm toàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là vấn đề đặt ra.

Thực tế cho thấy, ở nhiều lĩnh vực, tình trạng thiếu lao động có chuyên môn, có tay nghề tiếp diễn. Nhân lực cũng đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp công nghệ. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả tỉnh có 10.000  nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ. nhưng tình trạng “khát” nhân lực công nghệ hiện đang là câu chuyện “đau đầu” của nhiều doanh nhiệp. Tình trạng thiếu hụt đội ngũ quản lý có chuyên môn cao cũng là nỗi lo lưu cữu của ngành du lịch - lĩnh vực được xác định là mũi nhọn kinh tế của Huế…

Theo lộ trình đã được xây dựng, đến năm 2030, cả tỉnh có 75-80% tỷ lệ lao động qua đào tạo. Cơ cấu lao động được xác định gồm: Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 37%; ngành dịch vụ chiếm 54%. Riêng lĩnh vực du lịch cần 80.000 người, lĩnh vực công nghệ thông tin cần 10.000 người, đến năm 2025.

Không chỉ là những con số mang tính định lượng, để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, cần có chiến lược cụ thể, chuyên sâu trên cơ sở phân khúc tiềm năng, lợi thế, nhu cầu từng lĩnh vực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. 

Chẳng hạn, với vị thế, mục tiêu xây dựng Huế thành thành phố Festival, cần đào tạo bao nhiêu, đào tạo lĩnh vực nào cho nguồn nhân lực phục vụ lễ hội?. Hay với tiềm năng, lợi thế về di sản, văn hóa, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Huế phải gắn với nhu cầu phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị ra sao?. Tương tự, mục tiêu hình thành đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ hàng đầu ở tầm quốc gia, các nghệ nhân, doanh nhân giỏi trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế... mà tỉnh đặt ra cần có chiến lược, mục tiêu, giải pháp cụ thể. Như vậy, nghị quyết về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh mới đạt được hiệu quả tối ưu, nhằm đáp ứng yêu cầu và khai thác triệt để tiềm năng nhân lực mang tính đặc thù, riêng có của Huế.  

NHẬT NGUYÊN