Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền Nguyễn Quang Hải (bên phải) trao đổi với phóng viên
Theo diễn biến vụ việc, ngày 1/1/2004 ông Hoàng Tuấn Hưng ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty CP Thủy điện Bình Điền (sau đây gọi là Công ty). Đến ngày 11/7/2009, Công ty ban hành thông báo đề xuất thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với ông Hưng. Ngày 27/7/2009, Công ty ban hành quyết định miễn nhiệm chức vụ của ông Hưng. Ngày 16/8/2009, Công ty ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức và thanh lý HĐLĐ (biên bản có chữ ký của Công ty và ông Hưng).
Ngày 16/1/2010, ông Hưng có đơn xin trở lại công tác. Công ty ban hành quyết định tiếp nhận ông Hưng vào làm việc tại Phòng Tổ chức hành chính (TCHC) kể từ ngày 1/2/2010, hai bên không ký HĐLĐ. Sau đó, Tổng Giám đốc Công ty ra quyết định tạm giao nhiệm vụ phụ trách Phòng TCHC cho ông Hưng. Ngày 7/9/2010, ông Hưng có đơn xin nghỉ 2 ngày (9-10/9) để đi chữa bệnh và được Tổng Giám đốc Công ty đồng ý.
Đến ngày 5/4/2011, Công ty có quyết định điều động ông Hưng sang Phòng Kinh tế kỹ thuật. Ông Hưng có đơn xin nghỉ 3 ngày (17-19/9) để để đi chữa bệnh và được Tổng Giám đốc Công ty đồng ý. Ngày 12/1/2013, ông Hưng có đơn xin nghỉ đi chữa bệnh và được sự đồng ý của Tổng Giám đốc Công ty. Tuy nhiên, trong đơn ông Hưng không ghi rõ ngày quay trở lại làm việc và cắt đứt liên lạc với Công ty trong một thời gian dài.
Ngày 13/1/2014, sau 12 tháng kể từ ngày ông Hưng xin nghỉ chữa bệnh, Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ do ông Hưng đã ốm đau liên tục 12 tháng mà khả năng lao động chưa phục hồi (theo Điều 38 Bộ luật Lao động).
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Hải - Tổng Giám đốc Công ty TĐBĐ cho biết, việc ông Hưng được Công ty chấm dứt HĐLĐ là do ông Hưng tự ý nghỉ việc trong một thời gian quá dài (theo Luật Lao động). Ông Hưng xin nghỉ đi chữa bệnh nhưng không cung cấp chứng từ nghỉ ốm, không báo tình hình sức khỏe cho Công ty biết. Trong thời gian này, mặc dầu Công ty nhiều lần liên lạc với ông Hưng qua email và facebook nhưng vẫn không nhận được sự hồi đáp từ ông Hưng và ông Hưng không trở lại làm việc. Mãi đến 26/6/2018, sau thời gian dài không liên lạc được ông Hưng, Công ty đã bàn giao Sổ Bảo hiểm xã hội cho cháu ông Hưng hiện đang là cán bộ của Công ty nhận giúp để gởi về cho gia đình ông Hưng. Về việc ông Hưng khiếu nại Công ty khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân vào bảng lương năm 2008 là đúng quy định của pháp luật.
Đến 12/4/2020, ông Hưng có liên hệ qua facebook với Phòng Hành chính nhân sự của Công ty đề nghị giải quyết quan hệ lao động giữa cá nhân và Công ty. Ông Hưng có khiếu nại: “Phòng Tài chính kế toán không có chứng từ về việc đã thanh toán chế độ trong vòng 7 ngày là vi phạm Luật Lao động, là không chấp hành quyết định của Chủ tịch HĐQT chỉ đạo việc thanh toán chế độ theo quy định của công ty và pháp luật. Tôi đã nhiều lần đề nghị được thanh toán chế độ, nhưng trả lời cuối cùng của Công ty ngày 19/8/2020 là không thanh toán, cho tới tháng 6/2022 vẫn không thanh toán với lý do hết thời hiệu”.
Theo TS. Đỗ Ngân Bình, chuyên gia tư vấn Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường đại học Luật Hà Nội, trong đơn ngày 12/1/2013 ông Hưng xin đi chữa bệnh và không nói rõ “khi nào quay trở lại làm việc”. Đồng thời, Công ty đã đồng ý với đơn này nhưng không ghi rõ “chỉ cho phép nghỉ theo quy định của pháp luật là 12 tháng kể từ ngày nghỉ”. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến năm 2020, Công ty TĐBĐ chưa thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt HĐLĐ thể hiện ở chỗ chưa ban hành bất cứ thông báo hay quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Hưng. Như vậy không thể coi sau 12 tháng kể từ ngày 12/1/2013 quan hệ lao động giữa Công ty với ông Hưng mặc nhiên chấm dứt. Khi chấm dứt HĐLĐ vì lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, Công ty có nghĩa vụ trả trợ cấp mất việc làm và thanh toán các khoản tiền theo quy định của pháp luật.
“Công ty thực hiện thủ tục đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông Hưng vì lý do “người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn mà khả năng lao động chưa hồi phục”. Quan điểm của Công ty là đưa ra cách giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ thấu tình đạt lý, đúng theo quy định của pháp luật. Công ty sẽ cùng ông Hưng ngồi lại để xem xét trợ cấp mất việc làm và thanh toán các chế độ, quyền lợi khác (nếu có) cho người lao động để ông Hưng không khiếu nại kéo dài. Tuy nhiên, ông Hưng vẫn nhiều lần gửi đơn đến Công ty và không chấp nhận theo hướng giải quyết của Công ty”- Tổng Giám đốc Công ty TĐBĐ thông tin thêm.
Về vấn đề này, qua trao đổi với một số thẩm phán tại Thừa Thiên Huế, được biết, nếu ông Hoàng Tuấn Hưng không chấp nhận theo hướng giải quyết của Công ty TĐBĐ thì có thể làm đơn khởi kiện ra tòa.
THÁI BÌNH