Nuôi thủy sản trên đầm phá ở Quảng Điền

Môi trường thay đổi bất thường

NTTS là hướng đi tất yếu trong phát triển kinh tế vùng đầm phá, ven biển, ven sông. Từ khi phong trào NTTS phát triển, tỉnh đã có sự đầu tư cơ bản về kết cấu hạ tầng, đê bao, thủy lợi, điện lưới được đưa ra đến tận vùng nuôi. Tuy nhiên, một thời phong trào nuôi thủy sản trên đầm phá, trên cát phát triển ồ ạt, tự phát khiến môi trường thay đổi, ô nhiễm, tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Một trong những biện pháp khắc phục được ngành thủy sản, các địa phương hướng đến là vận động, hướng dẫn người dân chuyển sang nuôi xen ghép trên vùng đầm phá. Mô hình này từng bước thích ứng, phù hợp với điều kiện môi trường, tuy lãi không cao bằng nuôi chuyên tôm nhưng nuôi xen ghép tôm, cua, cá khá ổn định, ít dịch bệnh.

Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền) chia sẻ, nuôi thủy sản xen ghép ổn định, hiệu quả chừng trong mười năm trở lại đây. Thời gian gần đây, ảnh hưởng của BĐKH, diễn biến thời tiết phức tạp, bất thường gây trở ngại rất lớn trong quá trình nuôi thủy sản. Nắng hạn gay gắt, kéo dài, mưa - nắng xen kẽ, thất thường khiến người dân thiếu chủ động trong ứng phó, xử lý môi trường dẫn đến thủy sản không kịp thích nghi.

 Từ tháng 4, 5 đến nay, thủy sản nuôi trên vùng đầm phá, nuôi cá lồng trên sông Đại Giang, sông Bồ xảy ra tình trạng chết, có thời điểm chết hàng loạt gây thiệt hại nặng đối với các hộ nuôi. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thời tiết có sự thay đổi rất thất thường so với các năm trước đây là nguyên nhân chính dẫn đến cá chết. Ngoài hiện tượng mưa nắng luân phiên và có mưa dông, thời tiết còn có các đợt không khí lạnh, mưa lớn trái mùa làm độ mặn toàn vùng đầm phá giảm thấp, không đảm bảo NTTS.

Kết quả kiểm tra tại vùng đầm phá Tân Lập, thị trấn Sịa (Quảng Điền) vào giữa tháng 5 cho thấy, nguồn nước gần như bị ngọt hóa hoàn toàn. Một số ao, lồng nuôi cá bị nhiễm ký sinh trùng, nấm trên mang làm hao hụt trong quá trình nuôi.

Từng bước thích ứng

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, người dân còn thiếu kiến thức, chưa thật sự chủ động trong ứng phó thời tiết diễn biến thất thường. Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, khi thời tiết bất thường tạo điều kiện các loài gây bệnh, dịch hại trên thủy sản nuôi phát triển nhiều nên phải tăng cường đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung vitamin C, men tiêu hóa, khoáng; sử dụng chế phẩm sinh học gia tăng vi khuẩn có lợi, xử lý chất hữu cơ tầng đáy và trong nước nhằm giúp vật nuôi phát triển tốt.

Điều kiện tiên quyết trong nuôi chuyên tôm, nuôi xen ghép đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các chi hội nghề cá, HTX, tổ NTTS, người dân... phải đầu tư xây dựng ao xử lý nước thải, nước cấp tại vùng nuôi trên cát, vùng cao triều đầm phá. Hoặc cải tạo hệ thống xử lý nước thải chung đã có để tránh ô nhiễm môi trường, đầu tư áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến có kiểm soát theo vận động, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Người dân, các tổ chức nuôi thủy sản không đưa lượng nước bùn đáy trong quá trình nuôi thải ra bên ngoài các mương làm ảnh hưởng đến chất lượng nước khi lấy vào ao nuôi. Đồng thời, dùng vôi đặt tại các điểm đầu của kênh lấy nước chung nhằm ổn định môi trường và phòng bệnh cho thủy sản. Đê bao cần phải gia cố an toàn, tôn cao, che chắn thêm lưới đảm bảo ứng phó khi mưa lũ bất thường.

Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, kéo dài, mưa lũ có thể đến sớm, yêu cầu người dân phải tuân thủ cơ cấu khung lịch thời vụ mới theo quy định của cơ quan chức năng. Với cá lồng nuôi trên sông phải thả nuôi ngay sau mùa mưa lũ, kết hợp thả nuôi giống kích cỡ phù hợp để kịp thời thu hoạch, hoặc thu hoạch tỉa trước mùa cao điểm nắng nóng. Trong thời điểm nắng nóng có thể nuôi số còn lại với mật độ thấp, nhằm đảm bảo nguồn ô-xy và tránh nguy cơ thiệt hại nặng. Người dân không nên thả nuôi tôm trên cát vào mùa nắng nóng khi không đảm bảo các yếu tố, điều kiện khoa học, kỹ thuật tiên tiến. NTTS trên đầm phá phải thả nuôi ngay từ đầu năm khi điều kiện môi trường nguồn nước, vùng nuôi phù hợp nhằm đảm bảo thu hoạch hoàn thành trước mùa mưa bão...

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU