Trang bìa “Bóng đá Huế hồi sinh”

Bầu không khí sôi sục

Là phóng viên từng tham gia tường thuật giải Trường Sơn từ năm 1976, có lẽ đây là trận đấu thu hút lượng khán giả đông đảo nhất. Theo lời kể của nhà văn Tô Nhuận Vỹ  “mấy cu cậu nảy ra sáng kiến ngoắc luôn thắt lưng quần vào thanh rào chắn, thấy đội nhà ghi bàn, sướng quá bật dậy la hét. Đến lúc “lai tỉnh” mới biết tất cả thắt lưng đều đã  bị đứt,  đành vừa túm bụng vừa đi vừa say sưa bình luận về cú sút mang lại chiến thắng cho đội nhà!”.

Không khí bóng đá ở Huế nhờ các trang báo thể thao xuất bản ở TP. Hồ Chí Minh cập nhật đã làm cho những người Huế xa quê vui lây. Trưởng ban Cổ động và bảo trợ bóng đá Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh - Tôn Thất Trọng kể: Khi nghe tôi đề nghị thành lập Ban, lúc đầu chỉ có 2 người nhưng đến khi họp lần 2 đã có hơn 60 người tham dự và họp lần tiếp theo, số hội viên đăng ký, thú thật chúng tôi thống kê không hết được vì đông quá”.

Tại quê nhà, bên cạnh hoạt động của Hội cổ động viên do Liên đoàn bóng đá Thừa Thiên Huế thành lập đã có rất nhiều CLB hâm mộ bóng đá Huế tự phát hình thành. Có rất nhiều người bỏ hết việc nhà, rủ bạn bè "đu xe" vào Sài Gòn. Trong số ấy, có nhóm chúng tôi: Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Kỹ sư Đỗ Hữu Nghị, Nhà báo Võ Thanh Hùng, Nhà báo Nguyên Du, cựu sinh viên Nguyễn Quyết…

Thuở ấy, việc tiếp sóng phát thanh hoàn toàn phụ thuộc vào VOV. Do vậy mà mỗi khi các báo có bài viết liên quan đến những vấn đề nóng của Huế thường “cháy hàng”.  Phấn khích sau cú lội ngược dòng ngoạn mục của đội nhà  trước đội Khánh Hòa, do biết nhà báo Trần Trọng Thức có nhà ở sát sân Thống Nhất, tôi gợi ý nhà văn Tô Nhuận Vỹ thử thăm dò liệu có cách gì giúp bà con Huế nghe trực tiếp diễn biến trận đấu?

Tận dụng kiến thức của người từng trải qua phát thanh, tôi phác thảo cách thực hiện. Tại Sài Gòn, người cung cấp thông tin nhà phải ở cạnh sân Thống Nhất và nhìn được diễn biến trận đấu và nhà của người đó bắt buộc phải có điện thoại cố định. Tại Huế, phải có studio để nói chuyện (thông qua điện thoại) với Sài Gòn và quan trọng là cuộc nói chuyện ấy phải được phát sóng trực tiếp. Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế nằm trong danh mục cơ quan báo chí, muốn thực hiện trực tiếp (ngoài phạm vi địa phương) hẳn phải xin phép nên không chủ động, Trong bối cảnh này, chỉ Đài Truyền thanh Huế là phù hợp.

Qua kết nối của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, chiều 1/6/1995, tại Studio của Đài Truyền thanh Huế, Nhà báo Phạm Tấn Hầu là người dẫn dắt và “mớm” chuyện để  người con gái có tên là Thùy Mai tường thuật cho bà con Huế nghe diễn biến của trận đấu giữa hai đội: Thừa Thiên Huế- An Giang, y ước cứ sau mỗi 15 phút là tạm dừng.

"Cơ hội vàng" của người làm báo

Thời điểm đó, tôi công tác ở Đài Truyền hình Huế,  là cộng tác thường xuyên cho Báo Tuổi Trẻ TP.HCM và còn viết thêm cho tờ Phụ trương Sài Gòn Giải Phóng Thể thao với bút danh Minh Khuê. Còn Võ Thanh Hùng đang công tác ở Sở Thể dục Thể thao, là cộng tác viên thường xuyên của Báo Thể Thao TP. Hồ Chí Minh. Hai chúng tôi có mối quan hệ khá rộng, nhưng để có được “món quà sang trọng” dành cho người hâm mộ và đội bóng, trong bối cảnh “không đồng, không giác, không xu” thì chỉ có nhà văn Tô Nhuận Vỹ là người thích hợp hơn cả.

Với vai trò Chủ tịch Hội Văn nghệ, đại biểu HĐND Thừa Thiên Huế, nhà văn Tô Nhuận Vỹ là người "đứng mũi chịu sào" xin giấy phép, chịu trách nhiệm xuất bản. Võ Thanh Hùng liên hệ Báo Thể thao TP. Hồ Chí Minh nhờ giúp chế bản, xếp chữ và in ấn. Theo phân công của “Tổng biên tập” Tô Nhuận Vỹ, tôi và Võ Thanh Hùng chịu trách nhiệm tập hợp các bài viết của đồng nghiệp: Hoài Lê, Sĩ Huyên (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM); Nguyễn Nguyên, Kinh Thi, Vũ Công Lập, Duy Long (Báo Thể thao TP.HCM); Minh Hùng, Nam Phong, Ngọc Tuấn (Thể thao Sài Gòn giải phóng) và  bài viết từ Huế của các tác giả:Võ Thanh Hùng, Hữu Thu, Minh Khuê, Thiên sứ và Hoa phong Lan.

Trước khi đi Sài Gòn, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã tranh thủ viết bài “ World cup” tại Cố đô”;  Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Hoa viết “Đôi lời giới thiệu” về ấn phẩm “ Bóng đá Huế hồi sinh”, những bài viết còn lại tùy cơ ứng biến.

Đặt chân đến Sài Gòn chiều 4/6, sáng hôm sau, chưa kịp làm chầu cafe sáng, Nhà văn Tô Nhuận Vỹ “lệnh” ngay cho tôi tranh thủ viết ngay một bài. "Bao nhiêu chữ?" "Trừ ảnh, đúng một trang, nộp ngay chiều nay". Lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi đếm từng hàng chữ của một trang báo. Thời đó computer, laptop chưa phổ biến nên tôi đành viết tay.

Thông qua Ban cổ động và Bảo trợ đội bóng đá Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận bài, ảnh của Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tường thuật buổi Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chiêu đãi đội bóng tại nhà hàng Tib. Tại buổi dạ tiệc này, “Ca sĩ Hồng Ngọc rồi Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát nhiều bài để tặng các cầu thủ Huế. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn động viên anh em "đừng tuyệt vọng”, dù sức có xuống sau ba trận thi đấu liên tiếp.

Phụ trương dành hẳn một trang để cập nhật danh sách các cơ quan, cá nhân ở Huế và TP. Hồ Chí Minh ủng hộ đội bóng. Ngoài các mạnh thường quân như Công ty Bia Huế (25 triệu đồng), Chi nhánh ngân hàng Công thương Thừa Thiên Huế (3 triệu đồng), ông Tôn Thất Trọng (ngoài tặng giày, áo, quần tây còn ủng hộ thêm 1,5 triệu đồng); số còn lại chủ yếu năm ba trăm nghìn, thậm chí có người ủng hộ 20.000 đồng, nhưng đó là tấm lòng của những người con Huế yêu Huế.

Có chứng kiến cảnh hơn cả vạn người, chiều 7/6/1995, trước khi vào sân Thống Nhất trực tiếp xem trận chung kết giữa hai đội: Công an TP. Hồ Chí Minh-Thừa Thiên Huế chen nhau mua tờ “Bóng đá Huế hồi sinh” mới biết lượng fan hâm mộ đội bóng quê nhà lớn đến mức nào. Trên 1 vạn số được bán sạch. Đến lúc đó, tôi thật sự nể phục tài của Nhà văn Tô Nhuận Vỹ khi ông quyết định, bằng bất cứ giá nào cũng phải in trong đêm 6/6, bởi theo ông đó là “cơ hội vàng” của người làm báo.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu