Cây ăn trái cụ thể ở đây được chỉ ra đó là thanh trà, bưởi da xanh, bưởi đỏ, cam quýt và nhãn.

Tất cả các loại cây nói trên đều đã được trồng ở Phong Điền những năm qua. Khả năng sinh trưởng và phát triển tốt cũng đã được ghi nhận. Thế nhưng vì sao những năm qua toàn huyện chỉ phát triển được 475ha? Người dân thiếu kinh nghiệm trồng trọt? Chưa hẳn. Người dân thiếu vốn? Cũng chưa hẳn. Nói Phong Điền thiếu đất sản xuất cũng không phải. Bằng chứng là theo đề án hai năm rưỡi tới nâng “cái ào” lên ngày 1.000ha. Có thể câu trả lời cho câu hỏi vì sao người dân phát triển “chậm chạp” diện tích cây ăn trái nằm ở chỗ - thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đề án phát triển cây ăn trái nêu cái gì là tùy cách nhìn nhận của những người lập nên nó. Tuy nhiên, có một câu hỏi cần phải giải quyết triệt để là phải làm rõ thị trường tiêu thụ như thế nào, hiệu quả kinh tế ra sao; tính chất cạnh tranh của các mặt hàng trên thị trường.

Ví dụ những năm qua, thương hiệu thanh trà Phong Điền đã có tiếng. Nhưng nếu chúng ta phát triển thêm thì phải xem xét dung lượng thị trường có dung nạp được không. Phong Điền phát triển thanh trà phải tính đến yếu tố tương quan trong tỉnh, vì hiện tại thấy nhiều huyện cũng phát triển cây ăn trái có múi như Nam Đông, Hương Thủy. Thế thì cộng tất cả diện tích trên địa bàn tỉnh mỗi năm chúng ta thu hoạch được bao nhiêu tấn, khả năng tiêu thụ như thế nào. Thường khi một sản phẩm nào đó còn ít thì dễ tiêu thụ, giá bán được cao. Nhưng một khi thị trường đã bão hòa thì chuyện giá thấp, thậm chí không bán được là điều chúng ta không khó hình dung. Ví dụ sản phẩm bưởi thì nhiều nơi trong cả nước có. Và bưởi của nhiều tỉnh cũng có thương hiệu. Giờ chúng ta phát triển diện tích có cạnh tranh được không?

Nhấn mạnh đến yếu tố thị trường tiêu thụ là bởi, đây là yếu tố quan trọng nhất. Nếu không giải quyết được bài toán thị trường thụ thì nhiều yếu tố liên quan khác có thể “tắc”. Chẳng hạn như yếu tố vốn? Để phát triển 1ha cây ăn trái cần một nguồn vốn không hề nhỏ. Thời gian có thể kéo dài đến 5-7 năm mới cho thu nhập. Với 1.000ha sẽ cần một nguồn vốn lớn. Ai sẽ cung cấp nguồn vốn này nếu người nông dân thiếu vốn? Có thể Nhà nước (cụ thể ở đây là chính quyền tỉnh, huyện) sẽ hỗ trợ thông qua các chính sách giống, kỹ thuật… nhưng nguồn vốn này sẽ không nhiều. Nguồn vốn quan trọng nhất là đến từ vốn vay ngân hàng. Người nông dân không đưa ra một bài toán kinh tế cụ thể, tiêu thụ như thế nào, hiệu quả ra sao… thì chắc cũng khó giải ngân được vốn của ngân hàng.

Đó là chưa nói đến các yếu tố khác, ví dụ như đất đai. Chúng ta đưa ra giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân làm có vẻ như chẳng “ăn thua” trong thời buổi này. Người nông dân có thể chọn giải pháp ngắn hạn hơn và an toàn hơn, đó là trồng các loại cây rau màu ngắn ngày, như cây đậu phộng. Thời gian trồng ngắn và dễ tiêu thụ. Vài tháng là có bán lấy tiền liền, tiền tươi thóc thật. Nêu điều này để thấy rằng, những người làm đề án cũng nên tham khảo nhiều yếu tố liên quan để đề án đi sát thực tiễn nhất.

Hàng chục năm qua, Phong Điền chỉ phát triển được gần 480 ha. Giờ chỉ có hai năm rưỡi, chúng ta đề ra mức phát triển diện tích đến 1.000ha. Cần xem xét tính thực tiễn cho con số này?

Nguyên Lê